Mộng mị

【Giải Bình phẩm Thế hệ hai】

2015/5/20 / Cổ Lam / Mộng mị / Tiếng Việt / Không

Thảo mở cửa, bước vào trong phòng tối om. Cô khẽ đưa tay bật công tắc đèn rồi đá nhẹ cho đôi giày vải rơi xuống gầm giường. Như chẳng thể chờ thêm, Thảo đổ người xuống tấm nệm mỏng rồi nằm bẹp dí tưởng chừng không thể gượng dậy được nữa. Một lúc sau có tiếng chị Hương và cái Hoa cũng vừa về đến.

- Mai có đoàn kiểm tra, bốn giờ sáng phải tập trung rồi mà giờ này mới cho mình về. Thật quá đáng không chịu được. - tiếng cái Hoa càu nhàu.

- Thôi, không chịu cũng phải chịu chứ sao giờ em. - chị Hương nhỏ nhẹ. Chị Hương bao giờ cũng vậy, luôn là người hiền lành nhất, phải nói là nhẫn nhịn nhất phòng. Còn cái Hoa thì có vẻ như vẫn không chịu bỏ cái tính đanh đá, chua ngoa của nó.

Thảo vẫn nằm yên trên giường, mắt lim dim. Đã hơn mười giờ đêm rồi mọi người mới được về nghỉ. Công việc ở viện dưỡng lão ngày nào cũng như ngày nào, đầy ắp, lặp đi lặp lại, làm cho các cô đầu óc lẫn thân mình cứ quay cuồng như con thoi. Sáng mai, ba chị em Thảo được phân công tới sớm hơn thường nhật để dọn dẹp và làm công việc chuẩn bị cho buổi đón tiếp đoàn kiểm tra của sở lao động địa phương.

- Hôm nay thật là mệt quá sức tưởng tưởng, không biết mai có dậy nổi không đây? - cái Hoa có vẻ như vẫn chưa dứt cơn bực tức trong người.

- Thôi, để chị pha mì ăn cho nó... hết giận nhé, nhanh nhanh rồi mà còn đi ngủ, mai lại phải vất vả nhiều hơn đấy. - chị Hương lại dịu dàng, lẫn chút pha trò làm dịu không khí mệt mỏi trong phòng. - Ừ, cái Thảo có ăn mì không, chị pha luôn cho một tô.

- Vâng, chị làm cho em với, em cũng thấy đói mà làm biếng quá. - Thảo cười sung sướng.

Lát sau mọi người đi nghỉ. Cái Hoa tuy mắt đã nhắm lại rồi mà miệng thì vẫn còn làu bàu. Riêng chị Hương đặt lưng xuống là ngủ ngay. Hay thật! Thảo ước gì có thể được như chị ấy, coi mọi thứ khó khăn trên cuộc đời này nhẹ như không. Mà cũng có thể do cả ngày chị làm việc quá mệt nhọc đến độ đêm về không còn thời gian, hơi sức đâu mà nghĩ ngợi, lo âu.

***
Chiếc phi cơ từ từ hạ cánh xuống sân bay Đào Viên, Thảo bặm môi, lau hết những giọt nước mắt còn đang lăn dài trên má. Lúc này đây cô cảm thấy nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ quê hương vô cùng. Cũng chỉ mới có ba bốn tiếng đồng hồ trước đó thôi chứ mấy. Ấy vậy mà giờ đây Thảo đã đặt chân lên vùng đất mới, lạ nước lạ cái. Thôi, cũng đã tới nơi rồi, phải sẵn sàng đón nhận cuộc sống mới dù chưa biết nó sẽ như thế nào đây. Khi chia tay ở sân bay Nội Bài, bố Thảo, dầu trước đó là người quyết liệt cho Thảo đi xuất khẩu lao động, cũng không thể che giấu cảm xúc của mình. Ông dặn dò: ""Ba năm rồi sẽ trôi nhanh con ạ. Bao nhiêu người làm được thì mình cũng sẽ làm được thôi. Trời không phụ lòng người nên con hãy luôn cố gắng nhé."" Mẹ Thảo mắt đỏ hoe đưa cho cô chiếc điện thoại, nói là của người chị cả lấy chồng trong nam gửi ra cho, để Thảo có thể liên lạc thường xuyên về nhà.

Thảo đi theo người nhân viên môi giới ra đến cửa sân bay, nơi đó đã có một chiếc xe chờ sẵn để đưa cô cùng một số bạn bè khác về địa điểm làm việc. Ban đầu mọi người đi chung, nhưng sau đó lại được phân về các nơi khác nhau. Riêng mình Thảo được đưa đến một viện dưỡng lão ở tận Kha Nam. Lúc tới nơi, trời đã về chiều, xung quanh là đồng lúa mênh mông cũng vừa bắt đầu vào vụ thu hoạch. Gió thổi mạnh làm từng lớp lúa vàng cứ nhấp nhô như sóng vỗ. Thảo vẫn chưa kịp hết cảm giác say xe, càng chưa kịp bật khóc vì nỗi nhớ nhà chợt trào lên khi nhìn thấy cánh đồng lúa chín mà không phải ở quê mình, thì cô đã phải nhanh chóng làm thủ tục nhận phòng kí túc, nhận quần áo, giày dép đồng phục rồi bắt tay vào làm việc ngay.

Viện dưỡng lão này có ba nhân viên là người Việt Nam: Thảo, Hoa và chị Hương. Trong đó chị Hương đã làm ở đây được bốn năm rồi, còn cái Hoa thì cũng chỉ còn một năm nữa thôi là hết hạn hợp đồng ba năm lần thứ nhất. Mấy chị em tuy mỗi người một tính nhưng lại rất yêu thương nhau, có lẽ vì cùng chung một hoàn cảnh vậy. Chị Hương là người cần cù chịu khó, mà cái sự đời xưa nay nó lạ, hễ ai càng hiền lành càng chịu khó thì lại càng bị giao nhiều việc, càng phải làm cật lực hơn những người khác. Ấy vậy mà Thảo chưa bao giờ nghe chị Hương phàn nàn một điều gì. Thảo không biết từ đâu mà chị Hương lại có được sự chịu đựng lớn lao làm vậy. Còn Hoa thì tính tình đanh đá có lẽ từ trong bụng mẹ, nhưng nó cũng  là đứa con gái rất tốt bụng. Hoa cũng làm việc nhiều và cũng chịu nhiều khổ nhục như chị Hương. Nhưng Hoa không im lặng như chị, mỗi khi bị tổ trưởng mắng, nó lại chửi đổng lên, chửi trống không vậy thôi. Con bé tổ trưởng biết Hoa chửi đấy nhưng cũng không làm được gì đành bấm bụng ấm ức lắm.

Riêng Thảo, Thảo còn trẻ lắm. Thảo không thể hiểu sự đời để mà nhẫn nhục được như chị Hương. Thảo cũng chẳng thể nào đanh đá như cái Hoa, cho dù chỉ là giả vờ đanh đá đi chăng nữa. Trong suy nghĩ của Thảo luôn ngự trị một nỗi lo lắng, sợ hãi vì không rõ tương lai của mình sẽ ra sao, cái khổ của mình sẽ kéo dài bao lâu nữa. Ba năm ư? Thảo không dám chắc. Với đồng lương đã ít lại còn hay bị trừ phạt bởi những lý do vớ vấn này kia khác nọ, Thảo xem chừng qua hai năm đầu cũng chỉ vừa đủ để bố mẹ ở nhà trả nợ ngân hàng tiền làm thủ tục xuất khẩu lao động. Nếu muốn kiếm ít vốn liếng mang về Việt Nam sinh sống, có lẽ Thảo sẽ phải như chị Hương, xin ký thêm hợp đồng ba năm, thậm chí sáu năm nữa. Càng mong đợi ngày về bao nhiêu thì Thảo lại càng thấy nó xa vời bấy nhiêu. Cô nằm im rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, để lại những giọt nước mắt nóng hổi vẫn chưa kịp lau khô.

***
Trời vẫn còn chưa sáng rõ, cả ba chị em đã lục đục dọn dẹp giường chiếu gọn gàng, chỉnh trang đầu tóc, rồi vội vàng lên tập trung cho kịp giờ. Vừa đến nơi đã nghe tiếng con bé tổ trưởng quát tháo ngoài hành lang:

- Giờ mới tới đó hả? Sao không nhanh tay vào dọn dẹp đồ đạc đi. Đoàn kiểm tra sắp tới bây giờ.

- Hứ! Đoàn kiểm tra nào tới giờ này, chưa được năm giờ sáng nữa. - Cái Hoa liếc xéo, mặt lầm lầm lì lì.

Mãi đến hơn chín giờ thì đoàn kiểm tra mới đến. Họ đi khắp các tầng lầu, vào tận từng phòng, dừng lại hỏi thăm một số các cụ già nữa. Xem ra họ cũng quan tâm lắm đấy. Con bé tổ trưởng lúc thì tươi cười hớn hở, giới thiệu cái nọ cái kia, lúc thì lăng xăng đi lại nhắc nhở nhân viên làm cái kia cái nọ. Bỗng dưng trông nó không còn mang bộ mặt cau có như thường ngày nữa. Với ai nó cũng ngon ngọt như là người thân vậy. Trong đoàn kiểm tra cũng có mấy người là đại diện bên môi giới sẵn dịp này họ tranh thủ báo cáo thêm về thành tích công ty của mình, rằng họ đã quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện như thế nào đối với các lao động nước ngoài, rồi thì chất lượng lao động nước ngoài mới thật là tốt làm sao... Các vị quan chức bên sở lao động địa phương liên tục gật gù ra vẻ hài lòng lắm. Không khí của buổi kiểm tra thật là vui vẻ, chan hòa biết bao nhiêu. Rồi cũng chỉ có vậy, lát sau, khi đoàn kiểm tra về rồi, nhân viên công ty môi giới cũng đã về theo, thế là lại nghe cái tiếng quát tháo của con bé tổ trưởng:

- Thôi, tất cả vào làm việc đi, còn ở đó mà hóng hớt!

Tất cả ai lại vào việc nấy. Thảo hôm nay phụ trách dãy phòng tầng hai. Khi cô đang lui cui dọn dẹp thì đột nhiên có hai bóng người xuất hiện ngoài cửa. Đó chính là con bé tổ trưởng và người nhân viên của công ty môi giới. Chẳng phải là bên môi giới khi nãy đã về cùng đoàn thanh tra rồi sao? Thảo thầm nghĩ và dự cảm một chuyện chẳng lành.

- Này cô Thảo, tôi hỏi cô, có phải hôm trước cô gọi 1955 không? - người nhân viên công ty môi giới hỏi rắn.

- Thưa, tôi... - Thảo chưa kịp nói gì thì con bé tổ trưởng đã chặn ngang:

- Có phải cô muốn mách lẻo chuyện gì? Cô tố giác ai ở đây? Hả? Phòng ốc cô lau chưa sạch, chăn màn cô xếp chưa ngăn nắp, tôi còn chưa phạt cô, ấy vậy mà cô định gọi cho 1955 nữa là ý gì?

- Thưa, tôi chỉ muốn gọi thử xem có liên lạc được hay không thôi, chứ tôi chưa hề nói gì cả. - Thảo e sợ đáp, tự nhiên Thảo cảm thấy mình thật cô độc, chị Hương ơi, Hoa ơi, giờ hai người đang ở đâu, sao không ai tới giúp Thảo. Các cụ ông, cụ bà trong phòng nghe chuyện ồn ào thì quay lại, có người nhìn Thảo với những ánh mắt đầy cảm thương nhưng bất lực.

Gã nhân viên môi giới quát to làm Thảo bật khóc:

- Thôi không nói nhiều, điện thoại đâu, đưa ngay đây! Tao phải thu cái điện thoại của mày xem mày còn gọi đi đâu. Tháng này đừng có mơ được lương thưởng gì nữa nhé! Trừ lương, trừ lương, mày nghe cho rõ! Lần sau còn tái phạm thì ngay cả tiền đặt cọc thế chân cũng mất nhá! Điện thoại đâu, đưa ngay đây!

Hai kẻ ấy cứ lấn tới làm Thảo càng thêm hoảng sợ, cô nhắm mắt lao ra phía cửa, rồi cứ thế chạy, chạy mãi. Đầu óc Thảo nặng trịch, tối tăm.

***
Gió biển! Đúng rồi, chính là gió biển, những cơn gió mang trong mình hơn mặn của biển. Thảo mở mắt nhìn ra xa, ánh nắng chói chang làm cô phải nhíu mày lại. Ôi đúng là biển kia rồi, biển xanh mát một màu, từng cơn sóng bạc đầu vỗ rì rào lên bờ cát trắng mịn, loang loáng như những hạt thủy tinh. Thảo chợt nghĩ, giá mà mình có thể từ đây bơi về đến nhà được nhỉ, rồi thầm cười với cái ý tưởng điên rồ như vậy. Thảo ngồi ở đó thêm một hồi lâu rồi mới gượng dậy bước đi, cô cứ bước như vậy về phía trước mà không rõ mình đang đi về hướng nào. Gió biển làm cô thấy khỏe khoắn biết bao, dù cả mấy ngày qua cô không hề có gì vào bụng.

Đi mãi thì Thảo tới một làng chài, nhà cửa thưa thớt, con người thì không thấy bóng dáng một ai. Thôi kệ, dẫu sao nơi đây không phải là Kha Nam nữa rồi.

- Này cháu gái, cháu định đi đâu vậy?

Thảo giật mình quay sang thì thấy một bác gái đang ngồi đan lưới trên thềm nhà. Bác ấy có nước da ngăm đen, khuôn mặt đầy đặn hiền từ.

- Thưa cháu chỉ đi ngang qua đây. Không biết đây là đâu, và phía trước là nơi nào vậy ạ?

- Đây là làng chài Mục Pha, hướng đó là nghĩa trang của làng. Tôi thấy cháu đi về phía đó nên mới thấy làm lạ mà hỏi thăm. Mà nghe giọng cháu không phải là người Đài Loan, sao lại tới được đây?

- Thưa, cháu... cháu... - nói đến đây Thảo ngập ngừng không biết nên giải thích thế nào.

- À thôi, không sao, cháu cứ nghỉ chân ở đây, rồi từ từ mà tìm đường về nhà. - người phụ nữ không hỏi gì thêm, dường như bác ấy đọc được cái ngập ngừng trong mắt Thảo.

Trong thâm tâm Thảo đang rất lo lắng bởi vì cô đoán có lẽ hiện giờ đội tuần tra đã bắt đầu truy tìm mình. Nhưng với hoàn cảnh như vầy Thảo cũng chưa biết đi đâu về đầu nên đành ở nhờ lại đây theo lời đề nghị của bác gái. Cô nghĩ bụng chỉ ở một thời gian ngắn thôi rồi sau đó sẽ tìm đường đi tiếp.

Làng chài này xem ra cũng không lớn lắm, lại nằm cách biệt với thị trấn. Mọi người ở đây đa phần làm nghề biển. Ai cũng sống chan hòa và tốt bụng với nhau mặc dù cuộc sống của họ cũng bấp bênh như những con thuyền giữa đại dương bao la vậy. Bác gái ấy sống cùng người con trai út tên là Mịch Đa trong ngôi nhà từ đường của dòng họ. Những người đàn ông khác trong gia đình thì đã mãi mãi nằm lại khơi xa trong một đêm biển động mười lăm năm về trước, giờ họ chỉ còn là những cái tên khắc trên mấy tấm bia dựng bên mộ gió mà thôi. Hàng ngày, Thảo học nghề và phụ giúp bác gái đan lưới, vá lưới thuê cho dân trong làng. Qua thời gian cả ba người trở nên mến tay mến chân nhau, nhất là Mịch Đa, trong tim anh dường như đang nảy nở một điều gì kì lạ lắm, thiêng liêng lắm.

Chiều nay, biển hoàng hôn thật đẹp, thật bình yên. Thảo cùng Mịch Đa bước song đôi trên bãi cát. Cảm giác như lúc ấy cả thế gian chỉ còn lại hai người bên nhau. Những con sóng tinh nghịch cứ đùa giỡn nhau, quấn quýt lấy đôi chân của họ.

- Thích quá anh Mịch Đa ơi, mỗi khi ở bên biển em cảm thấy thật tự do biết bao!

- Nếu em ở đây thì ngày nào cũng được chơi cùng biển mà.

- Em chỉ sợ điều ấy sẽ không bao giờ thực hiện được.

- Sao em lại nói vậy?

- Bởi vì em... em đang là một kẻ đang chạy trốn.

- Chạy trốn? - Mịch Đa không giấu được sự ngạc nhiên. - Em trốn ai? Mà vì sao em phải trốn?

- Em chạy trốn... thực tại, - Thảo cười, giọng nửa đùa nửa thật làm cho Mịch Đa thêm thắc mắc - em cảm thấy không thể tự làm chủ được cuộc đời mình anh Mịch Đa ạ. Nhưng chạy trốn không phải là cách tốt phải không anh, không ai có thể trốn chạy mãi mãi được.

Im lặng một lúc, Mịch Đa mới cất tiếng, giọng anh chứa chan một nỗi buồn:

- Em biết không, nếu em đi rồi biển nơi này sẽ thành hoang vắng, còn anh, anh sẽ rất cô đơn.

Nghe đến vậy, tim Thảo đập rộn ràng nhưng lòng cô lại ngổn ngang. Cô quay sang nhìn ra hướng biển như cố ý tránh đi ánh mắt của Mịch Đa. Với Thảo, ánh mắt ấy vừa là sợi dây ân tình níu giữ lòng cô thêm gắn bó với làng chài, nhưng cũng sẽ là niềm đau khổ lúc chia xa. Họ lặng im bước đi trong ánh hoàng hôn dần buông xuống. Phía xa xa, ráng chiều giăng ngang giữa khung trời những dải vàng muộn màng hiu hắt.

Những người đại diện luật pháp cuối cùng cũng đã tìm được Thảo. Chiều nay biển động đục ngầu, từng con sóng thét gào giận dữ. Chia tay, có ai đó chẳng dám nói với ai điều gì, chỉ thấy trong đôi mắt đong đầy niềm yêu thương. Chiếc xe cảnh sát đã chạy đi một lúc rồi mà Thảo vẫn chưa tin đó là sự thật. Cô ngoái nhìn lại phía sau, bóng dáng của Mịch Đa, của làng chài cứ dần xa, dần xa rồi nhạt nhòa trong nước mắt. Nơi xa xăm, Thảo nghe như có tiếng gọi của Mịch Đa chìm vào trong tiếng sóng vỗ:

- Thảo ơi, em Thảo ơi...ơi....

***
- Thảo! Thảo ơi! Dậy đi em, sắp bốn giờ rồi đấy! Dậy nhanh mà còn chuẩn bị tập trung nữa. Thảo, Thảo...

Tiếng chị Hương làm Thảo bừng tỉnh giấc. Xung quanh đây vẫn là căn phòng kí túc xá của ba chị em. Trong lòng Thảo chợt dâng lên một nỗi buồn da diết. Ôi, khổ đau, hạnh phúc vừa mới đi qua cũng chỉ là một cơn mộng mị.



青少年評審 感言

呂曉倩:覺得這篇比較另類,站在藝術的角度。但是它缺少正向的面向,所以如果完全是文學性的考量,我會投它。

曾郁晴:我覺得這篇也很好,可是沒有激勵的感覺。剛剛講說要出版給大家看,讓大家知道外籍勞工也有奮鬥的故事,讓大家看到他們的努力,所以從這個角度看,我才沒有選它。看法有兩面,角度不一樣,就很難抉擇。故事內容跟意境,我就會選它,看完它的印象跟其他文章真的不太一樣。

吳承泰:很有畫面。

黃惠美:我比較喜歡樸實的文章,可是如果要把它推進前三名,我是覺得也不錯,題材新穎,其他都很悲情,不然就是最後成功、愛台灣之類。

〈夢寐〉決選評審評語

李美賢:這篇我會覺得前面有點玄遺憾緊張,最後的海邊有自由的感覺,有對照感。

曾文珍:整篇感覺有用到魔幻的手法,反映出她蠻壓抑的淺意識,這樣的手法使用相較其他作品的故事張力是較大的。

蘇碩斌:我給的分數蠻高的,他的敘事手法比其他作品純熟,到最後的結局有點哀傷,整個寫作技巧有把移工在台灣的辛苦和無法反轉的現狀寫進去。

朱天心:我沒有同意是因為夢的部分太清楚了,對我來說是敗筆。

周月英:我的意見和天心完全一樣,進入到夢的情境就開始進入類似八點檔劇情的想像,這對我來說是扣分的。