ILHA FORMOSA

2015/5/23 / Ngô Thị Hồng Anh / ILHA FORMOSA / Tiếng Việt / Không

Không phải ngẫu nhiên mà Đài Loan vẫn thường được gọi là Ilha Formosa - hòn đảo xinh đẹp. Khi những thuỷ thủ người Bồ Đào Nha căng buồm vượt qua muôn trùng con sóng đến Thái Bình Dương vào giữa thế kỉ 16, hẳn họ đã bị quyến rũ ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ của hòn đảo ngọc.
Mỗi lần đặt chân lên một vùng đất Formosa, tôi lại nghĩ đến họ. Những người thuỷ thủ ấy, đầu óc luôn lạnh lùng cảnh giác trong suốt những tháng ngày lênh đênh trên biển cả, đối mặt với cướp bóc và giông bão, hẳn cũng từng để lạc mất ánh mắt và tâm trí của họ, cho chúng tự do chiêm ngưỡng những ngọn núi Puli xanh biếc nhấp nhô trong làn mây khói mờ ảo tưởng chỉ thấy trong tranh thuỷ mặc Trung Hoa. Những trái tim gang thép hẳn cũng đã có lúc tan chảy khi họ nhìn ngắm khóm hoa đào nở bung rực rỡ trên ngọn núi Dương Minh những ngày tháng hai ấm áp. Khi ánh nắng hoàng hôn phản chiếu từ dòng Danshui dịu dàng hôn lên lọn tóc mai lưa thưa của tôi, tôi biết đây cũng là cách hòn đảo này đã chinh phục những người thuỷ thủ hơn năm trăm năm trước.
Nhưng Formosa không giống như một thiếu nữ xinh đẹp ngây thơ. Nàng là một phụ nữ từng trải, đã chứng kiến không ít thăng trầm lịch sử. Qua hàng thế kỷ, đất đai mặn mòi muối biển đã thấm thêm máu những con người ngã xuống vì tên chông lửa đạn xuyên suốt những cuộc chiến dữ dội của các bộ lạc, người dân bản địa, và quân ngoại quốc; các quần đảo đã có những ngày oằn mình trước pháo kích từ phía bên kia eo biển. Những hợp những tan, những yêu những hận, những đớn đau mất mát trong đời đã dạy cho những người con của đảo cách tồn tại bên nhau, yêu thương, đùm bọc lấy nhau. Họ chỉ bảo cho nhau đánh cá, trồng trà, họ cùng nhau xây tháp 101, họ hợp sức đưa những bóng đèn LED và những chiếc máy tính thương hiệu Đài Loan đến tay người tiêu dùng toàn thế giới. Những người con Formosa dùng cả tiếng Anh, tiếng Quốc ngữ, và tiếng Đài trên tàu điện ngầm và trong thang máy, họ kính nhường nhau, bao dung khác biệt của nhau.
Formosa, trong vài thập kỷ qua, đã trở thành miền đất lành cho người di dân từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Có người đến với hòn đảo này vì cơm ăn áo mặc, có người vì duyên phận vợ chồng, có người muốn tìm cơ hội làm ăn, có người vì nuôi dưỡng niềm hi vọng đã héo mòn nơi quê hương của họ. Và Formosa, như hàng ngàn năm qua đã từng, hào sảng dang tay đón họ vào lòng, gọi họ là Tân di dân.
Cuộc hoà nhập nào cũng thường bắt đầu bằng sự hồ nghi. Không ít khi những công nhân người Philippines, người Indonesia, sau những ngày đứng máy đến tận khuya trong những nhà máy của một ông chủ tham lam nào đó, bất bình nói với nhau về người Đài Loan “bóc lột, kì thị” khi đồng lương cuối tháng còm cõi chẳng bõ gửi về. Đã có khoảng thời gian những cư dân mạng người Đài chia sẻ với nhau hình ảnh cuộc bạo động ở các nhà máy Việt Nam - thứ bị báo chí Đài Loan phóng đại, miêu tả là “bài Hoa”, đau khổ nhìn cơ nghiệp của người thân, bạn bè tan tành mây khói, và đổ lỗi cho tất cả những người mang dòng máu Việt. Tôi biết có những đứa trẻ trốn tránh sự thật mẹ mình là Tân di dân, sợ bị bạn bè coi khinh. Tôi nhìn thấy bức tường ngăn cách trong ánh mắt khác lạ, dè chừng của một số người khi tôi nói tôi là người Việt. Nhưng tôi cũng biết, đó là một giai đoạn tất yếu của quá trình hoà nhập, và tôi biết, một ngày không xa, truyền thống văn hoá độc đáo, riêng biệt của họ sẽ được chính Formosa bảo vệ, giữ gìn như một tài sản quý; họ sẽ sống chan hoà với những người con Formosa, như những người anh em sống cùng một mái nhà, mỗi người một tính nhưng luôn yêu thương chăm sóc cho nhau.
Vì, mặc cho mọi thành kiến và những khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ, tôi nhìn thấy mọi người chung quanh đang từng ngày nỗ lực để thấu hiểu cho nhau. Tôi nhìn thấy thành ý trong cách các bà mẹ Tân di dân bận bịu con nhỏ vẫn cố theo lớp học tiếng Trung buổi tối. Tôi thấy các bạn trẻ Đài Loan hồ hởi dẫn các bạn Việt đi thăm rừng, leo núi. Tôi thấy những lớp tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt trở thành buổi giao lưu sôi nổi giữa những người bạn lần đầu gặp mặt.
Bản thân tôi, trong hơn hai năm sống trên hòn đảo xinh đẹp này, chưa từng một ngày thiếu vắng yêu thương, và chưa có phút giây nào tôi thôi cảm kích. Mỗi khi chán nản, tôi luôn nghĩ về những người thầy trong trường Đại học đã bỏ ra hàng giờ phân tích, hướng dẫn cho tôi làm bài luận, đã vỗ vai nói cố lên khi tôi thất vọng về chính bản thân mình; tôi nghĩ về cụ già ở cửa hàng bán văn phòng phẩm chân đi đã run run, nhưng mỗi lần tôi đến đều níu lại bắt chờ, rồi một lúc sau quay lại, dúi vào tay tôi khi túi bánh quy, lúc chùm nho quả táo; biết bao những người lạ mặt nhiệt tình tra cứu bản đồ, giúp gọi taxi khi tôi vụng về đi lạc.
Formosa đẹp, vì nó không chỉ là một hòn đảo, mà còn là một trái tim.