2015/5/26 / Hoàng Ân / Du học sinh / Tiếng Việt / Không
Lí do tôi đến Đài Loan có vẻ vì 1 chữ DUYÊN. Đơn giản là vì ngoài chữ đó ra, tôi không tìm được 1 lời giải thích khoa học nào khác thay thế cả. Bạn biết đấy: sẽ có nhiều người bước qua cuộc đời ta nhưng chỉ số ít họ ở lại, ta cũng không trách vì đời vốn dĩ có hợp thì phải có tan. Có duyên thì gặp nhau, hết duyên rồi thì mỗi người 1 nơi. Tôi nghĩ cũng chính vì cái duyên ấy mà khiến tôi gặp được những người bạn Đài Loan – cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời tôi, để tôi phải trầm tư và khao khát được đến thăm xứ sở của họ. Đây là câu chuyện của tôi – 1 đứa du học sinh Việt Nam ở Đài Loan.
Mọi chuyện bắt đầu vào cuối năm 2013. Lúc đó tôi còn đang là 1 đứa sinh viên năm 3, Maejo - một trường ở Thái liên kết với trường tôi tổ chức lễ hội kỉ niệm 80 năm ngày thành lập nên họ muốn mời sinh viên trường tôi sang Thái, cụ thể là Chiangmai, để biểu diễn cũng như giao lưu văn hóa. Mọi chi phí từ vé máy bay, chỗ ở, ăn uống, họ lo hết; chúng tôi chỉ việc qua đó biểu diễn trong 10 ngày rồi về. Dĩ nhiên là có rất nhiều sinh viên đến phỏng vấn đăng kí vụ đó, tôi cũng không ngoại lệ. Ai lại không thích đi du lịch miễn phí chứ, đặc biệt là người Việt Nam? Có 2 vòng phỏng vấn tất cả và phải trình diễn trước ban giám khảo. Năng khiếu ca hát của tôi rất tệ nhưng tôi có khả năng rap bằng tiếng Anh. Thời điểm đó là lúc bộ phim Fast and Furious 6 đang rất hot nên tôi copy giai điệu vào điện thoại và rap cho ban giám khảo nghe. Mục tiêu ban đầu là tìm người có khả năng về dân ca, dân vũ,… những thứ tôi hoàn toàn mù tịch nhưng việc đọc rap khiến tôi khác biệt so với những thí sinh khác. Kết quả là tôi được nhận. Phía Maejo cho tối đa 10 vé, 5 vé đã bị các thầy giành đi hết, chỉ còn 5 vé cho bọn tôi. Lúc đầu thì bọn tôi cũng chả quan tâm vì miễn mình được đi là tốt rồi nhưng đến khi qua Thái thì mọi chuyện đổi khác. Có 4 đoàn sinh viên quốc tế đến biểu diễn ở trường Maejo, ngoài Việt Nam ra thì có Trung Quốc, Đài Loan và Philippine. Một lẫn nữa thì ngoài Việt Nam ra, 3 đoàn còn lại chỉ có 1 giáo viên đi cùng, còn lại là 9 sinh viên biểu diễn. Đội hình họ đông hơn, được đầu tư bài bản hơn và giáo viên của họ cũng rất quan tâm đến sinh viên. Mặt khác, 5 ông thầy đi cùng bọn tôi thì chả thèm đoái hoài tới chúng tôi, họ chỉ lo đi du lịch, nhậu nhẹt. Tiết mục của bọn tôi là gì họ cũng không biết, mặc cho chúng tôi tự sinh tự diệt. Năm đứa sinh viên phải nương tựa lẫn nhau, lạc lõng nơi đất khách quê người, không người hướng dẫn. Xã hội hay bảo là tại sao sinh viên, học sinh không còn tôn trọng giáo viên mà không thấy ai nói đến việc giáo viên cư xử không đáng được tôn trọng. Thế rồi vận may cũng run rủi cho chúng tôi gặp được họ - phái đoàn sinh viên từ Đài Loan. Ông thầy đi cùng họ tên là Allen. Cách ông đối xử với 5 đứa bọn tôi khiến tôi cảm động. Ông dẫn bọn tôi đi khắp nơi ở Chiangmai, còn nhắn sinh viên của ông là phải trông chừng không để bọn tôi bị lạc. Một con bạn của tôi ham vui quên giờ tập kết, ông liền cùng sinh viên đi tìm. Đến đêm cuối trước khi về nước, ông còn mua lồng đèn giấy rồi cùng chúng tôi thả lên bầu trời. Ông nói là người Đài Loan hay làm cái này để cầu bình an. Kể từ lúc đó, tôi thề với lòng là tôi nhất định sẽ sang Đài Loan để thăm họ - những người bạn tốt bụng tôi chỉ quen chưa đến 10 ngày. Vừa về Việt Nam, tôi đăng kí học tiếng Hoa buổi tối vì tôi muốn nói với họ bằng tiếng Hoa rằng tôi rất cảm kích hành động của họ đối với tôi, điều đó đã thay đổi con người tôi, khiến tôi tin rằng trên thế giới vẫn còn những con người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ 1 đám người xa lạ mà không vì bất kì lợi ích nào. Rồi thì may mắn đã mỉm cười với tôi. Tháng 6 năm 2014 tôi nhận được học bổng toàn phần của Đại học Chung Hsing ở Đài Trung. Chung Hsing chỉ tặng 3 suất cho cả trường tôi, tôi là 1 trong số đó. Tháng 2 năm 2015, sau khi ăn Tết ở Việt Nam, tôi khăn gói lên đường sang Đài Loan.
Tiếng Hoa của tôi thì cũng lỏm bỏm thôi chứ không giỏi giang gì, định bụng là sẽ dùng tiếng Anh để hỏi đường từ Cao Hùng đến Đài Trung (máy bay của tôi đáp ở sân bay Cao Hùng). Khốn khổ 1 cái là không có ai có vẻ gì là biết tiếng Anh cả. Tôi đi MRT đến nhà ga Cao Hùng, sau đó mua vé tàu đi Đài Trung. Lần đầu tiên đi nước ngoài 1 mình nên chắc bạn cũng hiểu là lúc đó tôi hoảng loạn cỡ nào. Tôi kéo lê chiếc vali khủng bố của mình khắp nhà ga Cao Hùng, hỏi bằng thứ tiếng gì đó không ai hiểu (tiếng Anh), chưa kể là tôi còn bị mù chữ nữa (tôi học chữ Giản thể, sang đây mới biết nó xài Phồn thể). Nếu có 1 ông đạo diễn nào đó thấy tôi lúc đó, chắc ổng sẽ hỏi tôi liệu rằng tôi có muốn đóng vai chính cho bộ phim Lạc lối ở Cao Hùng hay không. Nhân viên quầy vé chắc cũng hiểu tôi muốn đến Đài Trung vì tôi đưa họ xem Sổ tay sinh viên của Chung Hsing. Cuốn sổ hướng dẫn rất chi tiết cách thức đi từ Cao Hùng đến trường tôi như thế nào nhưng thực tế thì rất khó hình dung cho 1 người lần đầu mới đến Đài Loan như tôi. Trường có bố trí cho 1 sinh viên hỗ trợ tôi, tôi gặp cô ấy lúc xuống nhà ga Đài Trung. Khi chúng tôi đến Chung Hsing thì trời đã tối đen, tôi nhận phòng rồi vác vali vào kí túc xá. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi lúc đó là nhà vệ sinh và nhà tắm dùng chung cho cả 1 lầu. Nhà tắm thì có kèm 1 cái máy giặt lớn và 2 cái máy hấp quần áo. Lúc đó thì tôi chẳng còn thần trí đâu để mà chiêm ngưỡng 3 cái máy đó nữa. Chưa sống xa nhà lần nào, giờ phải dùng chung toilet với mấy chục thằng con trai khác, điều đó khiến tôi buồn nôn. Ngay lập tức tôi gọi Skype về nhà, tôi nói bằng giọng pha lẫn nóng giận và mệt mỏi, nghe rất bi đát: “Con không thể sống ở đây được đâu, nó (Chung Hsing) bắt con tới đây tốn tiền vé máy bay, ngồi tàu 3 tiếng để rồi phải dùng chung toilet với tụi nó (các sinh viên khác). Đây là 1 trò lừa đảo! Con muốn về” Mẹ và chị tôi dĩ nhiên lo lắng, họ bảo là tôi cứ bình tĩnh, học kì ở Việt Nam chưa bắt đầu, cứ ở lại vài ngày coi như là đi du lịch rồi mua vé về cũng không muộn. Thế là tôi ở lại. Đêm hôm đó tôi ngủ như chết. Kì lạ thay là đến sáng hôm sau, tôi thấy mọi chuyện cũng không tệ lắm. Tôi bắt đầu xếp đồ từ vali ra, thuê xe đạp (vì trường rất rộng), mua dây cáp để xài Internet trong kí túc,… Ngày qua ngày, tôi thích nghi dần với cuộc sống ở kí túc xá. Sau gần 3 tuần thì tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều: có camera an ninh, máy giặt, máy hấp (khỏi phải phơi đồ),… Khi không còn phải bận rộn thích nghi với cuộc sống mới thì nỗi nhớ nhà ập đến. Nếu điều đó chưa đủ tệ thì những lúc đó nỗi cô đơn cũng ghé thăm tôi. Hai vị khách không mời này gõ cửa tâm hồn tôi rồi bước vào như thể vào nhà người quen. Quãng thời gian đó thật không dễ dàng chút nào. Bạn bè không, người thân cũng không. Lúc ấy tôi nhận ra 1 khoảng trống rất lớn trong tâm hồn vì không có ai bên cạnh. Tôi không có bạn. Sinh viên Việt Nam tôi gặp thì suốt ngày café cà pháo, sinh viên quốc tế khác thì đi du lịch như đi chợ. Tôi bị lệ thuộc vào họ, nếu không có ai rủ rê thì tôi chỉ biết lủi thủi trong phòng 1 mình. Cũng chính vì lẽ đó mà tôi trở thành 1 đứa nịnh bợ, vì tôi sợ làm mít lòng người khác, kể cả đó là người tôi không ưa tý nào. Tôi không còn nhận ra chính mình nữa: 1 thằng con trai tự tin, thẳng thắn ở Việt Nam thì lại trở nên bạc nhược khi xa quê ư? Tôi lên Facebook như thể bị nghiện, đêm nào tôi cũng Skype với gia đình than thở về cuộc sống bên này. Quan trọng nhất đó là tôi khiến mẹ và chị tôi lo lắng. Điều đó phải chấm dứt! Không thể tiếp tục như vậy nữa! Thế là tôi bắt đầu đi du lịch 1 mình khắp Đài Loan. Thoạt đầu tôi chỉ dám bắt xe lửa từ Đài Trung ra Cao Mễ, khi đã quen thì tôi đi xa hơn: Đài Bắc, Đài Nam,… Sau 3 tháng thì tôi đi được gần 10 địa danh khác nhau ở Đài Loan. Tôi không còn phải chờ ai rủ rê nữa mà chủ động đi du lịch 1 mình, tôi lấy lại sự tự tin vốn có và cũng không cần phải nể nang ai nữa cả. Có lần tôi bắt xe buýt xuống Đài Nam để thăm ông Allen nhưng không gặp vì lúc đó ông bận, còn tôi thì lại không có tiền để ở lại qua đêm.
Từ khi qua Đài Loan tới giờ, tôi đã thay đổi nhiều: độc lập hơn, tự tin hơn và hơn hết là hiểu rõ bản thân mình nhiều hơn. Đi đến 1 vùng đất lạ lẫm, không thân thuộc, không bạn bè, nơi mà nỗi cô đơn và lạc lõng bủa vây, lúc đó ta hiểu về bản thân ta nhiều hơn. Tôi biết ơn ông Allen vì nếu lúc đó ông và các bạn không giúp đỡ bọn tôi thì chắc tôi sẽ không bao giờ có ý định đến Đài Loan, không bao giờ có ý định học tiếng Hoa để rồi khi đến Đài Loan, tôi lại thêm yêu những con người và vùng đất nơi đây.
Cuộc sống xa xứ chưa bao giờ là dễ dàng dù cho bạn ra đi ở bất kì hoàn cảnh nào. Nỗi nhớ nhà và cô đơn nhiều lúc chiếm lấy tôi, khiến tôi không thể nào chịu nổi nhưng tôi đã tìm ra bản thân mình nhờ điều đó. Trong lúc tuyệt vọng và cô đơn nhất, tôi nhận ra mình yếu đuối thế nào, tại sao mình làm việc này và mình làm việc này vì điều gì. Tôi không nói sự cô đơn và nỗi nhớ nhà là những vị khách tốt bụng nhưng tôi nghĩ sự có mặt của họ trong ngôi nhà tâm hồn là cần thiết nếu bạn muốn thấu hiểu con người thật của chính mình. Hãy ôm lấy con người thật đó dù cho nó có xấu xí, tự ti và yếu đuối như thế nào đi nữa. Chấp nhận nó là 1 phần của bạn, giống như cách mà bạn chấp nhận phần mạnh mẽ trong con người bạn thì tôi hứa với bạn rằng bạn sẽ không cần 1 ai khác để nương tựa trong suốt quãng đời còn lại vì bạn biết là bạn đủ mạnh mẽ để đứng vững trên đôi chân của mình dù cho thực tế có khó khăn cách mấy đi nữa. Thân, bạn của tôi.