ĐÀI LOAN NGÀY ẤY VỚI TÔI

2015/5/26 / Dạ Thy / ĐÀI LOAN NGÀY ẤY VỚI TÔI / Tiếng Việt / Không

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Ở Đài Loan chắc các bạn cũng sẽ giống như tôi, nỗi lo lắng nhất của người lao động là khi phải đổi chủ mới phải không ạ?
Tuy cách đây đã hơn hai năm rồi nhưng tôi còn nhớ lắm…Nhớ ngày ấy bà tôi chăm vì tuổi cao sức yếu cộng với căn bệnh hiểm nghèo nên bà đã ra đi để lại lòng thương tiếc khôn nguôi cho gia đình con cháu trong đó có cả tôi.

Khi phải gạt những giọt nước mắt đau thương tiễn biệt bà và chia tay với gia chủ, lòng tôi buồn khôn tã, bao nhiêu câu hỏi dồn dập ập vào đầu tôi, đến chủ mới sẽ ra sao, công việc thế nào…? Tôi thực sự hoang mang và lo lắng lắm. Con cháu bà biết tôi băn khoăn trăn trở thường động viên an ủi tôi rằng: “Em thật thà chăm ngoan lại biết việc nhất định ở đâu em cũng sẽ được chủ quý mến, tiếc rằng gia đình không được phép giữ em ở lại nữa”. Tôi chỉ biết gật gật đầu mặc cho hai hàng nước mắt lã chã rơi trên má, phải để chị con gái bà lấy giấy lau nước mắt cho tôi.

Trước ngày đến chủ mới chị cả con gái bà đem ra một cái hộp đỏ xinh xinh và nói: “Đây là đồ trang sức của bà, trước lúc ra đi bà dặn bà muốn để lại làm quà lưu niệm cho con cháu”. Nói rồi các chị giục tôi chọn trước (Bà chỉ sinh được bốn người con gái, không có con trai). Sao…Sao…Sao ạ…Tôi lóng ngóng, sao quà của bà lại có cả phần tôi? Tôi cảm động vô cùng nhưng lắc đầu từ chối, thấy vậy chị cả lấy một chiếc nhẫn đeo vào tay cho tôi và dặn: “Em hãy đeo nhẫn vào xem như bà luôn ở bên phù hộ bình an cho em, nhưng dù túng khó đến mấy cũng đừng bao giờ đem bán nghe em ”. Ngắm chiếc nhẫn trên tay tôi oà khóc nức nở và gọi: Bà…Bà ơi…

Giờ phút chia tay cũng đã đến, các chị ôm tôi và dặn: “Khi nào được nghỉ em nhớ về chơi đây là nhà của em mà”. Cổ tôi nghẹn đắng chẳng nói được gì chỉ biết đưa tay vẫy vẫy chào từ biệt các chị.

Ngày đó trên xe môi giới còn có một em gái Thailan cũng phải đổi chủ, chị em tôi tâm sự với nhau ai cũng lo lắng hồi hộp. Ông môi giới nói giờ có hai chủ, một chủ ở Chương Hoá, một chủ ở Nam Đầu tuỳ hai cô chọn, tôi nhường em Thailan chọn trước, em lại nhường tôi, cuối cùng em chọn chủ ở Chương Hoá để gần người yêu em hơn. Vậy là ông môi giới đưa chúng tôi đến chủ em trước.
Để đợi chủ ra đón xe môi giới dừng lại dưới một lùm tre to, xung quanh đồng ruộng, rơm rạ ngổn ngang, dân cư thưa thớt, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe tải chở rau chạy qua (mãi sau này tôi mới biết đây là vùng dân tộc Thái). Rồi một cô gái khoảng ba mươi tuổi ra đón chúng tôi, ông môi giới giới thiệu cô là cháu gái bà cụ và là nhân viên môi giới của ông. Nỗi lo lắng lại chồng chất lên suy nghĩ của chúng tôi vì họ là môi giới quản lý biết bao nhiêu là người lao động, họ thích chọn ai chẳng được, kiểu này chắc khó ở đây.

Bước xuống xe môi giới một cảnh tượng ập vào mắt tôi khi thấy em gái người Indonesia đang đứng ngoài hiên mắt đỏ hoe vì đang khóc, thấy chúng tôi em có vẻ sợ sệt và thụt vào phòng. Chúng tôi vào trong để chào hỏi mọi người, tôi thấy bà cụ và ông chủ đang ngồi ở phòng khách nhỏ cùng với một bà cô khoảng sáu lăm tuổi gì đấy, miệng phì phèo điếu thuốc lá, mặt đỏ hằm hằm, mùi rượu bốc ra nồng nặc đang hoa tay múa chân như chửi ai đó bằng tiếng dân tộc, tôi nghe chẳng hiểu gì hết. Bỗng tôi giật mình khi nghe cháu gái bà quát em Indonesia mang hành lý ra cho họ khám.
Gì nữa đây…Lại gì nữa đây? Ông môi giới thấy tôi sửng sốt vội phân bua: “Bà cô ấy phát hiện em Indonesia có một ngàn sáu Đài tệ (1600 NT). Bà cô ấy nghi là em lấy trộm tiền của bà cụ, đã tịch thu lại và đưa cho cháu gái bà cụ rồi, nhưng giờ gia đình vẫn muốn kiểm tra xem em có còn trộm tiền cất trong hành lý không và gia đình không muốn thuê em nữa, muốn đổi chúng tôi ”.

Nhìn em Indonesia vừa khóc vừa khệnh khoạng kéo chiếc vali to đùng và lẵng nhẵng những túi xách to nhỏ ra cho họ khám, thấy họ xúm lại nắn nắn bóp bóp từng cái túi quần, kẽ áo và lục tung đồ lót của em lòng tôi tê tái vô cùng. Vì quá nhiều đồ nên ông môi giới nhờ chúng tôi khám hộ. Trời... Trời ơi… Sao tôi lại có thể khám đồ của em lúc này cơ chứ.
Thấy em Indonesia nhạt nhoà nước mắt đi vào trong bếp, tôi liền theo em vào, em nghĩ tôi là người môi giới nên em lãng đi chỗ khác. Tôi đến gần xiết chặt tay em và nói, chị là người Việt Nam chị cũng đến đây làm, em đừng sợ, tôi vội hỏi em vài câu và được biết em mới mười chín tuổi đầu và mới đến Đài Loan được năm tháng, nên tiếng tăm em chưa hiểu lắm, tôi ân cần nhỏ nhẹ hỏi em có lấy tiền của bà không? Em lắc đầu lấy tay gạt gạt nước mắt và chạy vào phòng lấy một bức thư viết tay của chị gái em gửi từ Đào Viên tới cho em, nhưng chữ Indonesia tôi nào đâu có hiểu, tôi xem lướt qua một lượt thì thấy trong thư có ghi một ngàn sáu Đài tệ (1600 NT), tôi reo lên vui sướng: A…A…Bằng chứng …Bằng chứng đây rồi, tôi bảo em đưa cho môi giới, em xua xua tay ý nói không dám, tôi vội đưa bức thư cho ông môi giới và mọi người xem, nhưng rồi chữ Indonesia ai cũng bó tay, tôi chỉ chữ số một ngàn sáu trăm Đài tệ cho họ thấy mà họ vẫn làm ngơ giả vờ như không biết, tôi buồn và thất vọng vô cùng.
Cuối cùng bao nhiêu hành lý của em Indonesia cũng được họ khám xét kỹ càng mà chẳng thấy đồng tiền nào, tôi thở phào nhẹ nhõm: A di dà Phật.

Nhưng rồi họ vẫn bảo em thu xếp hành lý ra môi giới về nước, nghe vậy tôi xót xa lắm, tôi nói với ông môi giới cho em đổi chủ khác vì em không có tội, em không ăn cắp, ông môi giới nói để xem sao đã. Lúc này tôi thầm ước gì tôi là ông Bao Công tôi sẽ đem công lý đến cho em và mọi người. Nãy giờ em Thailan cứ ngồi nhìn hết người này đến người kia, giờ em kéo kéo vạt áo tôi và nói: “Chị… Chị Việt Nam ơi, em…Em không làm ở đây nữa em sợ … Sợ lắm, chị em mình đi thôi, đi thôi chị”.

Thật lòng từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tình éo le như thế này nên tôi cũng ngao ngán lắm, tôi nói với ông môi giới để chúng tôi đi chủ khác. Cháu gái bà nghe thấy năn nỉ chúng tôi rằng: “Bà ở đây có một mình mong một chị ở lại giúp chúng tôi chăm sóc bà”. Em Thailan nhất định không chịu, tôi quay sang nhìn bà bắt gặp bà cũng nhìn tôi, mắt bà rưng rưng như muốn khóc, bỗng dưng mắt tôi cay cay nghĩ đến ngoại tôi ở quê nhà giờ cũng cần sự chăm sóc của mọi người, vậy là tôi đồng ý ở lại, em Thailan bất ngờ với quyết định của tôi, em tròn xoe mắt nhìn tôi và nói: “Chị Việt Nam ơi, chị ở thử vài ngày không đươc thì đổi chủ mới chị nhé”. Tôi ôm em Thailan và em Indonesia vào lòng, ba chị em nước mắt lưng tròng, tôi cầu chúc các em ra đi sẽ gặp được chủ tốt.

Nhìn xe môi giới đưa các em đi khuất, tôi vào nhà để nghe cháu gái bà dặn chế độ ăn uống, thuốc thang cho bà và cách nấu ngô mạch cho gà vịt ngan ngỗng ăn… Tôi mỉm cười và nói: Tôi sẽ cố gắng.

Ngày mai ông chủ đi Đài Bắc chỉ còn tôi với bà nhưng cháu gái bà và bà cô ấy ngày nào cũng đến mấy lần thăm bà và để ý theo dõi tôi thì phải, không sao mà, ai đến chủ mới chẳng vậy, rồi tôi bắt tay vào dọn dẹp căn nhà nhỏ với bếp núc đồ đạc bày lung tung không có lối mà đi và căn phòng của em Indonesia để hành lý nào là vỏ cam, dao kéo… Bỏ dưới gầm giường, tôi dọn và trang trí thành một phòng ngủ gọn gàng ngăn nắp, ai cũng khen tôi khéo. Công việc của tôi ở đây không có gì là vất vả cả, ngoài chăm sóc bà, tối đến nấu nồi ngô to và mạch cho mấy chục con vịt gà ngan ngỗng ăn. Ngoài ra tôi thấy bên cạnh nhà có mảnh vườn bỏ hoang lâu ngày cỏ mọc um tùm, tôi cắt cỏ phơi khô chất thành đống đốt và cuốc đất để trồng rau, ngô, đậu lạc… Mùa nào thứ ấy, rau bà cháu ăn không hết tôi đem cho các bác hàng xóm, ai cũng bảo tôi chịu khó.

Ở vùng này người dân sống chủ yếu là nghề nông vất vả lắm, nên tôi nhìn thấy các bác làm gì tôi đều đến giúp, các bác trả tiền công tôi không lấy nên ai cũng yêu quý tôi, có đồ ngon của lạ các bác đều đem đến cho tôi, thấy tôi khẽ cảm cúm là mọi người đến giục tôi đi khám bác sỹ, tôi thật vui trước tình làng nghĩa xóm của mọi người dành cho tôi.

Nhưng ở đời không mấy người được suôn sẻ phải không các bạn? Khi mới tới đây tôi sạc pin điện thoại, bà cô ấy cũng điện xúi với chủ tôi rằng như vậy tốn tiền điện lắm, mỗi bữa cơm tôi nấu chỉ đủ hai bà cháu ăn sợ thừa lãng phí, bà cô ấy đi nói khắp làng rằng tôi lười không chịu nấu cơm cho bà ăn để bà đói.
May cho tôi bà tôi chăm vẫn còn minh mẫn lắm, bà thường nói với mọi người và con cháu là tôi nấu ăn rất ngon, hợp khẩu vị và bà ăn đủ no mà.
Thấy tôi buồn bà giải thích cho tôi: “Bà cô ấy không có chồng, từ trẻ tới giờ không có công ăn việc làm, suốt ngày rượu chè, thuốc men cờ bạc, giờ chỉ nhìn vào chính phủ phụ cấp cho người già mỗi tháng mấy ngàn nên không đủ tiêu, bà cô ấy muốn cháu nấu nhiều để bà cô ấy đến ăn”. À …À thì ra là thế, giờ tôi mới hiểu … Từ đó mỗi bữa ăn tôi đều nấu thêm đồ ăn cho bà cô ấy đến ăn, nhưng rồi tôi cũng không chiều được tính đồng bóng của bà cô ấy.

Khi vào một đêm sáng trăng vằng vặc, cháu gái bà chở một xe ôtô to dưa chuột đến cho tôi phơi để muối dưa, bà cô ấy đến bắt tôi bốc dưa vào nhà vì sợ bác nhà bên đến ăn cắp, tôi cứ nghe bà ấy nghi ngờ đổ oan cho ai với hai từ “Ăn cắp” là tôi bức xúc lắm, hình như trong mắt bà ấy ai cũng không tốt, nên tôi nói không có ai ăn cắp đâu và nhà nhỏ thế này để dưa ở chổ nào? Vậy là bà ấy lấy tay xỉa xói vào mặt tôi và chửi ầm làng lên rằng:
“Mày nhác, không nghe lời tao, tao sẽ nói với chủ đuổi mày đi, có xe dưa cũng không chịu bốc, vậy mà tiền lương thì vẫn muốn lấy, cái loại người nước ngoài bọn mày…”
Trời ơi … Nhục…Nhục nhã và oan cho tôi quá, tôi đến đây chưa phải ai sai bảo tôi làm gì, tôi tự biết tìm việc làm và tôi cũng ý thức được rằng lấy tiền lương của chủ cũng phải bỏ mồ hôi công sức chứ: “Không dưng ai dễ đem phần cho ta”. Mà cho dù tôi có sai trái thế nào thì bà ấy chỉ được nói đến cá nhân tôi, bà ấy không được phép xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của tất cả người nước ngoài . Tôi tủi thân khóc và xách hành lý ra rồi gọi cháu gái bà tới để tôi đi chủ khác, các bác hàng xóm nghe bà cô ấy chửi tôi mọi người đến đông lắm, người ôm tôi, người kéo vali tôi lại, ai cũng nói không phải bốc dưa vào, bà tôi cũng khóc và nói: “Cháu đừng bỏ bà đi”. Rồi cháu gái bà cũng về kịp, em nói với bà cô đó từ nay đừng quản chị ấy nữa, chị ấy làm sao chúng tôi đều biết. Và em chạy lại ôm tôi dỗ dành: “Chị đừng chấp bà ấy, bà ấy chỉ là hàng xóm thôi, bà ấy không phải là người trả lương cho chị, chúng tôi mới là người trả lương nên bao giờ chúng tôi nói tới chị thì chị hãy đi, chúng tôi biết chị rất tốt mà. Còn bây giờ chị muốn đi ư? OK! Chị có thể đi ngay nhưng chị đi đâu chị đem theo bà đi mà nuôi, vì bà lúc nào cũng khen chị có tâm có đức và có món gì ngon bà cũng đòi để dành phần chị, giờ bà là bà của chị, chúng tôi hết trách nhiệm.” Nói rồi em lên xe tuýt tuýt còi bye bye bye bye mọi người rồi phóng đi mất, làm cho các bác hàng xóm cười rộ lên và nói: “Đúng rồi…Đúng rồi “…Để tôi đang buồn khóc cũng phải cười theo.

Tôi nghe nói vì bà cô ấy mà đã có năm người Vietnam, Indonesia, Thailan, Philippines đến đây ở chỉ được mấy tháng lại đi vì bà ấy ghét ai là nói xấu đủ điều với chủ, chủ tôi ở xa nên bà ấy nói gì đều tin và nghe theo sự sắp xếp của bà ấy, cho đến tôi là người thứ sáu, vậy mà tôi cũng đã ở được hơn hai năm rồi đấy các bạn ạ, vì bên tôi còn có bà, cháu gái bà và các bác hàng xóm yêu thương tôi như con cháu trong gia đình. Bà thương tôi lắm, bà thường cho tôi tiền mỗi khi tôi đi mua đồ hay khám bác sỹ, nhưng tôi nào đâu dám lấy vì bà tôi đã già, thỉnh thoảng con gái bà về cho bà mấy ngàn, nên tôi bảo bà để dành tiền mua rau cá. Cháu gái bà và bà chủ về biết tôi thích ăn đồ Việt Nam nên thường mua đồ Việt về cho tôi. Ngày sinh nhật tôi cháu gái bà nhớ lắm, em mua bánh gato kèm theo lời hát chúc mừng tôi từ ngoài ngõ.

Thật buồn cười và không tin nổi bà tôi giờ cũng nghiện đồ Việt Nam như: Cafe, nước mắm…Con cháu thường trêu: “Bà là người Việt gốc Đài”. Bà lại nở nụ cười thật đôn hậu nhìn tôi âu yếm, tôi ôm bà và cùng bà hát vang bài hát tiếng Đài: “Vươn lên giành thắng lợi愛拼才會贏” mà tôi đã học thuộc bài hát này trong chương trình dạy hát của đài phát thanh: “Càng ngày càng hạnh phúc”. Dưới tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt của con cháu bà và các bác hàng xóm. Lòng tôi lại dạo lên một khúc nhạc trong giai điệu tình yêu thương không biên giới. Lúc này đây sao lòng tôi ấm áp và hạnh phúc đến thế, tôi như đang được sống trong tình yêu thương đùm bọc của ông bà, bố mẹ và người thân ruột thịt các bạn ạ. Nhân đây tôi cũng xin chúc các bạn luôn: An bình, mạnh hạnh danh thành nơi đất khách xứ người!