Tâm sự người tha phương.

2014-05-10 / truong thi bich 張氏碧  / Tâm sự người tha phương Tiếng Việt / Không 


Tâm sự người tha phương 

 Hoàng hôn bắt đầu ập xuống cũng là lúc nỗi nhớ thương con da diết ùa về, nhớ cái nhìn ngây thơ, nhớ những tiếng gọi yêu thương của con trẻ, khiến tôi phải nuốt lệ vào lòng.  

 Các bạn ạ tôi sinh ra ở một làng quê nghèo của vùng chiêm trũng. Tôi cũng được ăn, học và lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của bố mẹ và cũng như bao người khác. Trưởng thành, lập gia đình, sinh con đẻ cái và bắt đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Ước mơ làm giàu quá đơn giản nên chúng tôi tập tành buôn bán. Kinh nghiệm non nớt, không hiểu được thương trường nên chẳng mấy ngày chúng tôi đã mắc một khoản nợ kếch xù không biết lấy đâu ra tiền để trả.

Sau bao đêm suy nghĩ tôi đã quyết định để con nhỏ ở nhà, đi lao động tại Đài Loan, với suy nghĩ lương cao sẽ dành dụm được để cứu vớt gia đình, và cũng là ra đi để thay đổi số phận. Nhưng cũng thật lo lắng khi nơi tuyển người lao động dọa đủ điều, rằng sang Đài Loan không biết nhiều tiếng, không làm được việc, hay ốm đau vv ...sẽ bị trục xuất về nước và cũng sẽ không được đền bù bất cứ một thứ gì hết! Trong khi tôi cũng như bao người khác, một tiếng Trung bẻ đôi không biết, mới học bập bõm những từ đầu tiên như trẻ con học nói!

 Một chiều cuối đông sang xuân, giữa cái rét căm căm, lần đầu tiên xa nhà, cũng là lần đầu tiên đến một nơi xa lạ thế, tôi cứ như người của hành tinh khác. Trong lúc đang lúng túng bước theo chân một nữ nhân viên, chưa biết làm thế nào thì bên tai vang lên một giọng nói lạnh lùng của người môi giới, làm tôi giật mình đánh thót. Họ nói gì tôi có hiểu đâu mà chỉ làm như một con rối, cho đến khi họ đưa tôi về khu tập trung. Cả đêm hôm ấy tôi không tài nào chợp mắt. Tôi lo lắng nhớ lại những gì mà môi giới đã dọa trước khi tôi đến Đài loan. Tôi nơm nớp lo ngộ nhỡ tôi bị rơi vào hoàn cảnh của một trong số những người không may mắn bị chủ trả về, thì cuộc sống gia đình tôi, các con của tôi sẽ ra sao. Càng nghĩ chân tay tôi càng bủn rủn.

 Trên xe về nhà chủ tôi đã bắt đầu hiểu được cả một đoạn đường đấy gian khó đang hiện dần trước mắt. Tôi đến Đài loan làm việc trong một môi trường chỉ có tôi là người Việt. Những ngày đầu thật khó khăn, tôi như đứa trẻ lên ba bắt đầu học nói. Làm việc miệt mài thời gian trôi đi từ lúc nào không hay, chỉ khi tiếng chuông đồng hồ báo mười hai tiếng kính koong, thì tôi mới nhận ra rằng một ngày dài vô tận đã trôi qua. Khi màn đêm buông xuống mới là lúc tôi có quyền tự do được khóc được cười với nỗi nhớ con da diết đau nhói trong tim. Các con tôi cũng đã lớn dần và nhận thức được sự thiếu vắng mẹ, chúng cũng tỏ ra cứng rắn hơn, biết bảo vệ nhau hơn, nhất là cậu cả của tôi còn biết viết thư gửi động viên mẹ. Đây là lá thư cậu con cả đã viết những nét chữ của cái tuổi lên mười, ở cái tuổi cần mẹ hơn bao giờ het  

Ngày được trả phép tôi được về thăm con. Mấy mẹ con tôi vỡ òa như trong một giấc mơ nhưng thật ngắn ngủi. Khủng khiếp nhất là cái ngày hết phép, tim tôi lại có thêm vết thương khi cậu con trai cả tỏ ra lầm lì và buồn ra mặt, còn cậu nhỏ xà vào lòng mẹ thì thầm như cầu cứu "Mẹ ơi mẹ đừng đi nữa…" rồi ôm chặt lấy chân mẹ. Tôi nhìn các con mà không kìm được nước mắt, khẽ nói "mẹ sẽ sớm quay về với các con thôi”. Thế rồi cả ba chúng tôi cùng khóc. Tôi gạt nước mắt ra đi vì không còn sự lựa chọn nào khác, khi số nợ to đùng lãi mẹ đẻ lãi con kia vẫn chưa trả hết. Tương lai của các con tôi sẽ ra sao khi tôi chỉ có hai bàn tay trắng?

 Quay lại Đài Loan, tiếp tục những công việc hàng ngày, tôi miệt mài làm việc để kéo cày trả nợ. Nhưng thật trớ trêu, những cơn đau âm ỉ trong người bắt đầu xuất hiện hàng ngày. Ngôn ngữ bất đồng, tôi cố chịu đựng không dám biểu hiện ra, phần sợ bị chủ phát hiện sẽ đuổi tôi về nước, phần lại lo nếu tôi về bây giờ món nợ sẽ làm thế nào? Nhà chủ của tôi rất bận, ngoài việc kinh doanh, họ còn có bố mẹ già nên họ mới phải thuê tôi làm người giúp việc. Nhiều lúc tôi lo đến toát mồ hôi hột.

 Nhưng buổi chiều hôm đó, tôi đau đến mức không thể đứng vững được nữa. Nhà chủ lập tức đưa tôi đi cấp cứu. Ở đây tôi được các y bác sỹ thăm khám rất nhiệt tình. Bác sỹ nhìn tôi với ánh mắt thương cảm và an ủi, nói với tôi và bà chủ rằng, tôi có một khối u tử cung, nhưng cần chờ kết quả sinh thiết. Cầm tờ giấy hẹn ra về mà lòng tôi không thể nguôi ngoai nỗi lo, lo bệnh thì ít mà lo nếu nhà chủ đuổi việc thì đời mình sẽ ra sao. Trong lúc tôi đang như người mất hồn, bà chủ nhìn tôi với ánh mắt đầy sự cảm thông. Bà cười rất đôn hậu: "Chị đừng lo nghĩ nhiều quá! Ai mà chẳng có bệnh. Hãy yên tâm điều trị cho khỏi. Có gì xảy ra thì đã có chúng tôi." Nghe đến đây tôi như trút được gánh nặng bấy lâu đè trên vai xuống. Tôi chỉ muốn chạy tới ôm lấy bà chủ để òa khóc, khóc vì vui như đã từng được khóc trong vòng tay của mẹ. Nhưng tôi đã kìm nén khi nhớ mình chỉ là một người giúp việc.

 Một ngày kia tiếng chuông điện thoại reo. Tôi như mất hồn, không tin vào tai mình nữa khi được báo tin vào viện mổ gấp. Sự quan tâm của nhà chủ giúp tôi nhập viện chờ mổ thuận lợi. Trước khi làm thủ tục, tôi không quên nói với bác sỹ một yêu cầu - sự cầu cứu của người đang chơi vơi giữa dòng nước lũ mà không có gì có thể bấu víu: "Tôi xin bác sỹ đừng giấu tôi điều gì, vì con tôi còn rất nhỏ." Bác sỹ chỉ gật đầu và ân cần nhìn tôi.

 Mổ xong, tôi cầm trong tay tờ giấy hẹn khám lại kèm theo bản án ung thư độ ba. Được bà chủ đón ra về, tôi vẫn bước thấp bước cao với những nỗi lo lắng khủng khiếp "nếu ngày mai ...?" . Về nhà tôi được nghỉ một tuần, nhưng thấy chủ bận tôi cũng ngại không dám nằm, lại không nguôi lo lắng chủ sẽ trả về. Tôi gắng gượng che giấu nỗi mệt nhọc và bắt đầu làm việc để lấy lòng nhà chủ. Giờ nghĩ lại sao ngày ấy tôi dại khờ đến thế! Một trận băng huyết làm mọi người choáng váng, vì vết mổ nội soi không khâu chỉ có nhét băng cầm máu và uống kháng sinh cho vết sẹo chóng lành và còn bị cấm leo cầu thang. Đằng này chưa hết một tuần phép tôi đã cố làm việc nọ việc kia để tỏ ra mình khỏe mạnh!

 Lần thứ hai nằm viện tôi đã quen một cô giáo trẻ dạy tại trường đại học y . Khi cô đưa học sinh vào viện làm từ thiện, tôi là một trong những người được nhóm của cô giúp đỡ. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn duy trì  tình bạn như duyên nợ ấy. Cũng nhờ có cô mà tôi đã lấy lại được bình tĩnh khi bác sỹ đồng ý nói cho tôi biết sự thật, rằng tế bào ung thư trong người tôi quá cao, nhưng ca mổ rất thành công. Nguy cơ vẫn còn là có thể tế bào ung thư sẽ di căn.

 Điều tôi cảm động nhất là sau trận ốm đó, tôi được nhà chủ và công ty môi giới Hằng Hân giúp tôi tiếp tục ở lại làm việc, vẫn là công việc chăm sóc ông bà cụ, nhưng ý tốt sâu xa của nhà chủ còn là tạo điều kiện để tôi chữa bệnh. Nhà chủ luôn động viên tôi cố gắng, nên tôi đã ít nhiều có phần tự tin hơn. Nơi đất khách tôi cố giấu tất cả người thân của tôi, nhất là các con. Những cuộc điện thoại gọi về cho con, nước mắt lưng tròng nhưng tôi cố nén. Tôi cầu mong tôi có thể nuôi con lớn đến ngày trưởng thành. Ngày qua ngày, dưới sự giúp đỡ đùm bọc của mọi người tôi đã lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống.

 Năm 2009, tôi nuôi mộng hết bệnh năm nay sẽ về với các con. Trước đó tôi chưa dám về, vì nếu về Việt Nam điều trị tôi sẽ không đủ điều kiện kinh tế. Khi tôi đang tự động viên mình “hãy cố lên tôi ơi, sau cơn mưa trời lại sáng", thì trời đất như sụp xuống khi một khối u lại xuất hiện trong não của tôi. Mặc dù rất hoang mang, nhưng rồi tôi vẫn phải chấp nhận đón chào nó,  cùng đồng hành với nó. Lần này tôi tự tin hơn. Tôi tự học cách thay đổi mình và thay đổi cả cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ nếu tôi không cứng rắn thì tôi sẽ là kẻ thua cuộc, và cũng sẽ có lỗi với người thân, với các con. Vì thế tôi không còn sụt sùi sớm tối nữa, mà cố tìm cho mình một lối sống ý nghĩa hơn. Các con đã lớn khôn, tôi cũng cần phải cho chúng nó biết sự thật về bệnh tật của mẹ. Tôi đã dạy cho các con cách sống tự lập, cách làm một người có ích cho xã hội. Điều làm tôi vui và ấm lòng nhất là các con hiểu được mẹ.

 Vượt lên trên nỗi đau riêng, tôi làm việc cho nhà chủ như cho những người thân trong gia đình. Tôi cũng tham gia cùng các hoạt động mà chính quyền Đài Loan đã mở ra chongười nước ngoài: học tiếng, học hòa nhập văn hóa, học sống và chia sẻ cùng những hội đoàn từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác ở Đài Loan và Việt Nam. 

Các bạn ạ, sau bao năm tha hương nơi đất khách, cái mà tôi cảm nhận và học được của những con người của xứ sở này là lòng vị tha bao dung và trái tim nhân hậu của họ. Một tình yêu thương đồng loại không biên giới mặc dù giữa tôi và họ không tình thân máu mủ ruột già. Những tấm lòng y đức tuyệt vời của các y bác sỹ thật xứng với câu "lương y như từ mẫu". Tôi - một người bất đắc dĩ người tha hương, đã nợ những con người nơi đây một món nợ tình nợ nghĩa truyền đời. Trong tim tôi, Đài Loan hòn đảo ngọc luôn là quê hương thứ hai của tôi, nơi sinh ra tôi lần thứ hai với cuộc sống thật nhiều ý nghĩa. Tôi thật giàu có khi có không chỉ một mà có hai quê hương - “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người    

Tam su nguoi tha Phuong dich sang tieng trung