Người mẹ Việt



2014-05-29 / Lê Thị Phượng ( Hoa lau )  / Người mẹ Việt / Tiếng Việt / Không


“Em ơi mùa xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời“.
Nghe câu hát vang lên trong căn phòng bé nhỏ tôi biết mùa xuân đã đến ngoài khung cửa,đây là mùa xuân thứ 10 tôi xa gia đình,xa quê hương, xa con thơ bé bỏng. Đã10 năm trôi qua kể từ cái ngày giữa Nội bài tấp nập ồn ào nhưng vẫn không lấp được tiếng khóc gọi mẹ của đứa trẻ lên 3,tiếng khóc con thơ như xé lòng người mẹ trẻ như lời van xin xin mẹ đừng đi...Vậy mà người mẹ trẻ vẫn ngậm ngùi nuốt lệ cúi đầu đi theo tiếng gọi tương lai bỏ lại đằng sau tiếng khóc đầy trách hờn của con trẻ, bỏ lại ánh mắt đượm buồn của người thân để đến miền đất hứa với thân phận người giúp việc.
Suốt thời gian qua cuộc sống đã dạy cho tôi những bài học vô giá, có đắng cay ngọt bùi, có nước mắt và cả niềm vui, có những tiếc nuối và những mơ ước đã đổ vỡ, những lưu luyến mong nhớ yêu thương, cùng với lòng cảm tạ những con người đôn hậu rộng lượng bao dung của hòn đảo ngọc.
Ngày ấy! Người mẹ trẻ mới tròn 23 tuổi còn lúng túng vụng về biết bao trong mỗi lần ru con thơ vào giấc ngủ, vậy mà vì cuộc sống vùng quê nghèo heo hút, chỉ mơ ước có được ngôi nhà ngói để che nắng che mưa tránh những cơn gió bấc cào mỗi khi đông đến, người mẹ trẻ ấy đã dũng cảm xa gia đình,xa con thơ, xa quê hương yêu dấu để đến một nơi hoàn toàn xa lạ chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Hôm ấy, trời Hà nội vào cuối đông mưa phùn lạnh lắm, cuộc chia tay với bao trách hờn trong tiếng khóc trẻ thơ,nhưng cũng không thiếu những chờ đợi và hy vọng viết trên khuôn mặt của anh- người bố trẻ,để tôi được vững lòng bước đi. Biết bao lo lắng, bao sợ sệt,bao suy nghĩ và cả những tưởng tượng về miền đất hứa. Sau 3 giờ đồng hồ bay lượn trên mây cuối cùng tôi cũng được đặt chân,chạm tay và tận mắt nhìn thấy một Đài Loan thật phồn hoa lộng lẫy với những thành phố nguy nga trong muôn ánh đèn đêm rực rỡ long lanh như những viên pha lê được sắp xếp một cách tinh xảo khéo léo. Sau khi qua tất cả các thủ tục mà bất kỳ người lao động nước ngoài nào cũng phải trải qua,tôi được đưa đến bệnh viện để chăm sóc một cụ ông 90 tuổi vừa hoàn tất ca phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính. Lúc ấy, trải ra trước mắt tôi là cả một quá trình khó khăn gian khổ,tôi phải làm sao đây với những thứ dây nhợ,những ống dẫn thức ăn nhân tạo, những máy móc nối vào người cụ? Và khó hơn tất cả là sự bất đồng ngôn ngữ. Bấy giờ tôi không còn cảm giác nhớ nhà nữa mà thay vào đó là sự lo lắng vì nếu làm không tốt thì tấm sổ bìa đỏ của ngôi nhà nhỏ mà mẹ tôi mang ra thế chấp cho ngân hàng để có tiền lo thủ tục”xuất ngoại”cho tôi biết có cơ hội lấy lại được hay không? Cho nên tôi phải cố gắng hết mình để khắc phục tất cả.Trải qua biết bao đêm thức trắng đánh vật với người bệnh,chịu biết bao tủi nhục mỗi khi cô chủ không vừa lòng,một ngày phải nói đến mấy chục lần xin lỗi, cuối cùng tất cả những cố gắng ấy của tôi cũng được bù đắp lại bằng sức khỏe của cụ dần dần bình phục,cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của cô chủ :"Bạn ngoan và rất chịu khó ”.Ôi! Chỉ một câu khen ngợi thật bình dị thôi nhưng đối với tôi nó lại là vô giá. Không biết lúc đó vì mừng hay tủi mà tôi đã òa khóc như một đứa trẻ, cái cảm giác nhớ nhà thương con tự thuở nào mà tôi phải nén lại trong lòng lúc này nó lại bùng lên như muốn xé lòng tôi ra thành từng mảnh. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên sau khi xa gia đình được gọi điện thoại về cho mẹ, đầu dây bên kia nghe mẹ nghẹn ngào hỏi con có khỏe không? Tôi bên đây nghẹn nấc trong cổ họng nước mắt chảy nhòa cả hai mắt không nói được nên lời,chỉ nghe mẹ nói :”Thằng nhỏ nhớ con lắm,hôm qua đang chơi trong nhà nghe tiếng máy bay bay qua nó chạy bổ ra sân ngước mặt lên trời kêu gào đòi mẹ…”,nghe đến đây tôi như chết lịm trong lòng vì tôi chợt nhận ra rằng trong tiềm thức và sự hình dung của nó về người mẹ hóa ra lại là buổi chia tay có những chiếc máy bay chứ không phải người mẹ ngày ngày ẵm con,ru con trao cho con những nụ cười những cái hôn nồng ấm trong mỗi ngày.Tôi đứng thẫn thờ một lúc lâu bên chiếc điện thoại công cộng báo đã hết tiền,tôi đi như con ngố với những bước đi nặng trĩu vô hồn,nhọc nhằn lắm tôi mới trở về được đến căn phòng bệnh của cụ, nơi có cô chủ và ông cụ đang đợi tôi, về đến nơi cô chủ nhìn tôi vẻ mặt đầy thông cảm , cô cầm tay tôi nói :”Ngày mai tôi về Mỹ rồi, bố tôi trăm sự nhờ vào tay chị !”.
Thế là cô đi để lại tôi và ông cụ trong căn phòng bệnh viện, lúc này tôi đã quen dần hơn với cách chăm sóc người bệnh dưới sự dạy dỗ nhiệt tình và dịu dàng của những cô y tá, sức khoẻ cụ mỗi ngày một tốt hơn, tôi càng cố gắng hơn sau mỗi lần được trò chuyện với chồng và con qua điện thoại,vì tình cảm gia đình là nguồn động lực mãnh liệt và duy nhất của tôi trong lúc đó.
Đồng hồ thời gian quay nhanh hơn tôi tưởng,cứ vài ba tháng cô chủ lại về thăm ông cháu tôi một lần, và vui lắm khi nghe cô nói với tôi :“Hết hợp đồng chị về phép thăm con rồi quay lại làm việc chị nhé , bố tôi rất cần sự chăm sóc của chị“. Tôi vui biết bao vì mình đã đạt được sự tín nhiệm của nhà chủ và lại có thêm cơ hội để thực hiện ước mơ bé nhỏ của mình.
Ngày về, mừng mừng tủi tủi được gặp lại người thân sau bao ngày xa cách , tôi ôm con vào lòng mà cứ ngỡ là mơ, nhưng không khỏi chạnh lòng khi nghe con hỏi:” Bà ơi ! Đây là mẹ cháu à ?”Tôi biết trẻ con bao giờ cũng ngây thơ nói lên những gì nó nghĩ … Con yêu ơi! Cho mẹ ngàn lần xin lỗi về tất cả những thiệt thòi mà mẹ đã gieo vào tuổi thơ con, mẹ hứa mẹ sẽ bù đắp cho con bằng tình thương chân thành,bằng tất cả khả năng của mẹ con ạ!
Ba mươi ngày phép trôi qua thật vội vàng,tôi lại tiếp tục hòa quyện với cuộc sống, lại bắt tay vào công việc, tôi làm việc thật hăng say, tôi tận tình chăm cụ như thể ông ruột tôi vậy, vì bác sĩ cho chúng tôi biết thời gian còn lại của cụ không còn được bao lâu nữa. Cho đến một chiều tháng 3 năm 2010 khi hàng cây hoa gạo bên cạnh bệnh viện nơi cụ ở đang vào mùa nở rộ thì cũng là lúc cụ vĩnh biệt thế gian về nơi thiên đàng.Hình ảnh phút cuối cuộc đời thèm khát được nhìn mặt những đứa con thân yêu của cụ nó cứ in hằn mãi trong tôi, mắt cụ đảo tìm chung quanh, tìm mãi tìm mãi nhưng cũng chỉ thấy khuôn mặt nhòa nhoẹt nước mắt của tôi, cụ thất vọng nhìn lên trời cùng lúc máy đo nhịp tim đang từ những tiếng đều đặn bỗng chuyển thành một tiếng tít………kéo dài thê lương nghe sao xót xa não nề!
Hai ngày sau con cụ cũng là cô chủ của tôi mới kịp về nhìn mặt bố lần cuối, ngày nào tôi cũng cùng cô đến nhà xác viếng cụ và hôm nào tôi cũng cầu xin cụ phù hộ cho tôi mạnh khoẻ và gặp được chủ mới tốt bụng, có lẽ nơi chín suối cụ nghe thấy lời cầu nguyện của tôi nên đã cho tôi gặp được bà chủ của tôi bây giờ.Ở công ty bà là người hoạt bát thông minh, bà bao dung rộng lượng, về nhà bà dịu dàng dạy dỗ bảo ban tôi, mỗi khi tôi làm sai thay vì người khác họ thường sẽ trách móc nhưng bà lại thay bằng lời động viên an ủi ôn tồn, tôi chỉ biết cảm ơn bà bằng sự cố gắng làm việc của mình, và thầm cảm ơn trời phật đã ban cho tôi những may mắn đó. Tôi cũng thường xuyên điện về cho mẹ và anh để kể về công việc mình làm nhưng số lần anh nghe điện của tôi mỗi ngày một ít, anh không còn chờ đợi điện thoại của tôi như ngày xưa nữa, tôi cũng hiểu và tự động viên mình chắc anh bận việc đồng áng, bận chăm con nên không có thời gian, nhưng hình như tôi đã nhầm! Chiếc điện thoại bàn là cầu nối giữa tôi và anh giờ nó không còn quan trọng với anh nữa, tin tức về anh mỗi ngày một ít, tôi thầm trách mình chắc do lỗi ở tôi vì tôi đã khiến anh cảm thấy cô đơn, tôi trăn trở suy nghĩ nhiều lắm và cuối cùng tôi quyết định rời bỏ công việc mà bấy lâu nay ông trời đã ban cho để về bên anh,về cứu vãn ngôi nhà hạnh phúc mà chúng tôi ước mơ và xây đắp bấy lâu nay. Nhưng thật phũ phàng! Đáp lại với sự cố gắng của tôi lại là ánh mắt lạnh nhạt của anh và câu nói như ngàn mũi kim đâm vào tim tôi đau nhói, anh nói :”Cô không còn quan trọng với tôi nữa,và cô không xứng đáng là mẹ của con tôi…”.Đất trời vụt trở nên tối sầm lại ,bao uất ức,bao tủi hờn,bao cay đắng cùng lúc dâng trào,tôi khóc nhiều,nhiều lắm, trong lòng cảm thấy đau đớn,xót xa,ân hận, lúc đó tôi như một con rối nước vùng vẫy khóc than, khóc cho duyên bọt phận bèo! Mẹ buồn thương tôi phận gái long đong, mẹ nhẹ nhàng kéo tôi vào lòng, giọng ngập ngừng xót xa :”Âu cũng là cái số con ạ!...”
Sau bao nhiêu cố gắng hàn nối nhưng cuối cùng chỉ là vô vọng,không còn con đường nào tốt hơn, tôi bèn đánh liều điện sang cho bà chủ cũ, bà thật đôn hậu và tốt bụng, sau khi nghe tôi nói muốn quay lại bà không hỏi lý do mà nói cứ yên tâm để bà lo thủ tục cho sang lại.Tủi cho duyên phận bạc bẽo, những giọt nước mắt của người mẹ trẻ lỡ dở xuân thì lặng lẽ thấm đầy vai áo, bây giờ người mẹ trẻ ít nói hơn,ít cười hơn,mặc cảm với bản thân nhiều hơn và sống trầm lặng hơn. Bà chủ tuy bận rộn công việc nhưng vẫn không quên quan tâm đến người mẹ trẻ bất hạnh ,bà động viên an ủi, bà tìm các lớp học tiếng Trung bảo tôi tranh thủ thời gian đi học, đi tìm bạn bè đồng hương, đi tham gia các hoạt động xã hội, như vậy sẽ vơi đi nỗi buồn và giúp ích cho bản thân mình nhiều hơn. Từ đó tôi biết đến Trung tâm văn hóa do bộ lao động lập nên dành cho người nước ngoài. Ở đó có những buổi học tiếng Trung,buổi giao lưu văn hóa văn nghệ giữa hai nước do sở tân di dân tổ chức, mỗi khi đến đó, tôi cảm thấy như được quay lại tuổi học trò mộng mơ, nỗi buồn đã dần được xếp vào một góc sâu nhất của trái tim và thay vào đó là những con chữ tượng hình ngoằn nghèo, những nét chữ thật vụng về mà người mẹ trẻ nắn nót viết lên cả trong giấc ngủ và lúc làm việc, người mẹ trẻ đã biết đọc biết viết những từ đơn giản nhất bằng chữ quốc ngữ của nơi bản địa. Nơi đó tôi còn gặp được nhiều các bạn lao động của các nước khác nhau,nhiều chị em cùng quê, nhiều người cùng cảnh ngộ, thậm chí có người còn khổ và khó khăn hơn tôi nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận và vươn tới tương lai, nhất là những cô dâu xứ Đài mà tôi thường gọi họ là người mẹ Việt, vì những đứa con của họ đều mang trong mình hai dòng máu của hai dân tộc, hai nền văn hóa khác nhau. Ngày xưa chiến tranh nhiều người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời , họ thờ chồng nuôi con cống hiến cho quê hương đất nước họ thật xứng đáng với danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng mà nhà nước phong tặng ;Và còn nữa, những hình ảnh viết về người mẹ một nắng hai sương,thắt lưng buộc bụng,tảo tần sớm hôm thường được những em học sinh miêu tả trong các bài văn. Còn người mẹ Việt mà tôi cảm phục hôm nay tuy không phải mất đi những đứa con thân yêu như các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng nhưng vì chữ hiếu, vì mơ ước được vào cổng trường đại học của những đứa em thân yêu, họ đã thầm lặng hy sinh tất cả, họ dũng cảm bằng lòng nắm tay theo chồng về nơi xứ lạ. Biết bao ngại ngùng khi hai thể xác cận kề mà chưa có lửa tình yêu, biết bao khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ, biết bao bỡ ngỡ khi làm dâu xứ lạ và phải làm sao đây để cho trọn bổn phận làm mẹ khi chính mình còn chưa được hoàn thiện? Còn khó khăn hơn nữa khi trong bụng họ hình thành những mầm mống tương lai đang mỗi ngày một lớn! Người mẹ Việt thật kiên cường dũng cảm,họ không ngại xấu hổ không sợ bị chê,họ sẵn sàng làm tất cả,họ đến lớp học như một em bé mới lên 3,họ học nói,học chữ,học nấu các món ăn của quê chồng và họ chủ động tìm kiếm hạnh phúc, tạo dựng mái ấm, xử lý hài hòa các mối quan hệ cá nhân –gia đình,để bản thân và con họ hòa nhập được với xã hội, họ không ngừng học tập và luôn mỉm cười đón ánh bình minh trong mỗi buổi ban mai.
Để giúp họ vượt qua bức rào cản văn hóa này thì không thể không kể đến công lao của những người chồng xứ đảo đã hiểu và cảm thông cho vợ mình,họ thường chọn những lời ngắn gọn dễ hiểu nhất khi giao tiếp hoặc thể hiện sự đồng cảm bằng ánh mắt nồng nàn và những cái nắm tay ấm áp để làm chiếc cầu nối vững chắc và khéo léo giữa người vợ ngoại quốc và gia đình mình. Chính những yêu thương và đồng cảm không phân biệt dân tộc không phân biệt sang hèn của người bản xứ đã giúp chị em vượt qua tất cả những trở ngại này ngõ hầu hòa nhập mà không hòa tan trong môi trường hoàn toàn khác biệt.
Nhìn cảnh gia đình hạnh phúc của họ, và tuyệt vời biết bao khi nghe thấy tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ mang trong mình hai dòng máu Việt Đài vang lên tôi cảm thấy không còn cô đơn nữa,và tôi cũng nhận ra rằng cuộc đời là những bức chân dung do mình tự họa bằng những gam màu tưởng chừng đối lập , có gam nóng, gam lạnh ,gam màu trầm, gam màu rực rỡ v.v...Và tôi – một người lao động nhỏ bé tha hương xứ người thực sự cảm phục về sự hy sinh của những người mẹ trên thế gian nói chung và người mẹ Việt nơi xứ đảo nói riêng.
Giờ đây lòng tôi như hòa tan vào hương sắc mùa xuân với bao cảm xúc mới mẻ hân hoan .
Lặng nghe trời đất vào xuân
Nõn xanh cựa quậy tách mầm vươn cao
Lặng nghe đất thắm hoa đào
Và từng đàn én liệng chao yên bình
Mùa xuân đã về, tôi cầu chúc cho mọi người được bình yên thịnh vượng,cầu cho thế giới hòa bình,cho con người xích lại gần nhau hơn ! Dù cuộc sống hôm nay có bận rộn đến đâu đi nữa thì hãy nhớ rằng tình yêu thương của mẹ và của con người là vô giá. Nó giúp ta có được niềm vui trong cuộc sống đời thường nhưng rất mới mẻ,có thêm những động lực để thực hiện những dự định và ước mơ của mình trên đường đời.
Hãy vứt lại bên lề ký ức những tháng ngày mệt mỏi,hãy bước tiếp cùng thời gian để lại được nắm trong vòng tay trời xuân,hãy xòe đôi tay hứng lấy những giọt xuân để biết tôn trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời .