2014-05-14 / NGUYEN CAM HANG(阮錦姮) / MÙA THU HẠNH PHÚC(秋天的幸福) / Tiếng Việt / KHÔNG
MÙA THU HẠNH PHÚC
Có ai đó đã viết rằng: “ta không sợ đi lạc đường mà chỉ sợ rằng không biết mình đang đi đâu? nếu quyết tâm đi đến cùng thì con đường nào rồi cũng sẽ dẫn ta về đến đích”.
Đọc xong câu này tôi lại suy gẫm về tôi., cuộc hôn nhân đã đưa tôi đến một nơi xa xôi vượt ngàn trùng cách trở. Hành trang đi vào đời của tôi chỉ duy nhất có một trái tim nồng nàn yêu thương, một kiến thức khiêm tốn. Những hoài bão của thuở học trò để lại sau lưng, phía trước là mịt mờ vô định.
Cơn gió xào xạc lay động hàng cây thân quen bên đường, những chiếc lá nhuốm màu thu nhẹ nhàng rơi trong gió. Ký ức của mùa thu cũ, cách đây mười năm về trước bỗng chốc cuộn về, gợi trong tôi những kỷ niệm khó quên, ngày đầu tiên đặt chân đến đảo Đài Loan theo chồng về quê với ước mơ cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Mùa thu trên đường quê Vân Lâm (Yunlin), hai bên đường vươn màu xanh đầy sức sống, thoảng hương thơm ngọt ngào của lúa, những luống rau cải thẳng tắp mượt mà tươi tắn, xa xa từng đàn chim tung bay trong gió, cảnh cánh đồng trên quê hương của chồng tôi thật thanh bình yên ả. Làm lòng người bỗng chốc quên đi sự héo úa của mùa thu;
Chạnh lòng, chợt nhớ về Việt Nam quê tôi, nhớ con đường làng dài hun hút, nhớ dòng sông êm đềm trôi có cây đa bến đợi. Xa xa những ruộng mạ xanh non, ẩn sau lũy tre làng, thấp thoáng mái tranh nghèo, tỏa khói lam chiều đong đưa trong gió. Nơi ấy có những phận đời lam lũ, mộc mạc, bình dị nhưng đầy lòng nhân ái, chân thật, vị tha.
Lòng tự hỏi lòng,“nơi xứ lạ quê người này không biết rồi sẽ ra sao? có phù hợp với tôi không? có thể hòa nhập được với cuộc sống mới này không?”. Hôn nhân này rồi có đi đến bến bờ hạnh phúc như hằng mong đợi hay không? những câu hỏi miên man ray rứt trong tôi.
Trên quê hương Yunlin thân thương, người dân sống ở đây nghề nghiệp vốn thuần nông . Tôi học được sự cần cù chịu khó của những người nông dân nơi này, cuộc sống của họ êm ả bình dị, họ có mặt ngoài đồng làm việc từ sớm tinh mơ, có cụ đã hơn bảy mươi tuổi vẫn say mê công việc đồng áng.
Chồng tôi hiền lành, mộc mạc, không cờ bạc rượu chè, tuy ăn nói có vẻ cục mịch nhưng đươc cái thật thà thẳng thắn, thương vợ thương con. Chồng tôi làm việc ở Đài Bắc, Mẹ chồng mất đã lâu chỉ còn Bố chồng, Bố chồng tôi đã gắn bó với vùng đất Yunlin này đã từ rất lâu, Ông không muốn rời bỏ quê hương làng mạc nơi chôn nhau cắt rốn để sinh sống ở một nơi khác, việc cùng chúng tôi đến Đài Bắc sinh sống là một điều rất khó, vì vậy tôi đồng ý ở lại Yunlin phụng dưỡng Bố chồng, để chồng tôi yên tâm đi làm . Bố chồng năm nay cũng đã ngoài bảy mươi tuổi, tính tình chân chất, đôn hậu, thương con thương cháu, nhìn cảnh quấn quýt giữa Ông và cháu nội, tôi cảm thấy ấm lòng, trong căn nhà nhỏ bé này.
Nhà chồng tôi ở xa phố thị, chiều xuống, mặt trời vừa khuất bóng sau những lùm cây, thoáng chốc khung cảnh như đã về đêm, không gian tĩnh mịch và yên lặng. Năm tháng đầu tiên về sống ở đây phải nói là buồn lắm !!!, nhớ nhà vô biên !!! đôi lúc tủi thân nước mắt cứ lăn dài trên má. Ngày tháng qua đi, bận bịu với việc nuôi con, đưa đón con đi hoc, lo cơm nước phụng dưỡng Bố chồng, thời gian rảnh rỗi tôi nhận thêm công việc gia công quần áo, công việc này phù hợp với tôi và cũng có khoảng thời gian đưa đón các con đi học.
Chồng làm việc xa nhà! tôi phải học những kỹ năng sống và đối phó với tất cả trường hợp có thể xảy ra, ngay cả việc việc sinh nở của phụ nữ được ví như người đi biển một mình,vậy mà khi trở bụng, đêm hôm khuya khoắt, tôi cũng phải tự kêu Taxi đến bệnh viện để sinh nở. Có lúc nửa đêm con cái nóng sốt cao, cũng lẻ loi một thân một bóng đưa con vào bệnh viện, có lúc Bố chồng bị bệnh đi cấp cứu, lại phải bỏ con ở nhà để chăm sóc Bố chồng trong bệnh viện. Nói tóm lại mọi việc xảy ra bất ngờ, vì vậy cần phải động não, đều phải lường trước và học cách giải quyết từng trường hợp. Đó là những thử thách lớn trong cuộc đời làm dâu, làm mẹ của tôi.
Nhà ở thì xa trường có hôm trời mưa bão chở con đi học bằng xe gắn máy, đường trơn trợt cả ba mẹ con đều ngã lăn trên đường, may mà không sao. Bố chồng thì thường xuyên phải đi bệnh viện, để tiện việc đi lại tôi quyết định học lái xe hơi, như vậy sẽ thuận lợi và an toàn hơn cho con cái và Bố chồng khi cần phải di chuyển bằng xe.
Những buổi hoàng hôn tắt dần sau những rặng cây, cũng là lúc ngóng trông chồng, giá như có chồng gần gũi bên cạnh cùng chia xẻ nỗi khó khăn và nhọc nhằn này thì cũng đỡ tủi thân. Nhiều lúc tự an ủi “cố lên cần phải thích nghi với mọi góc độ của cuộc sống mới này”.
Một hôm Bố chồng tôi được anh chị chồng đón lên Đài Bắc chơi một vài hôm, rảnh rỗi tôi đưa các con đi Kaoshiung thăm những người thân. Trên đường đi, con tôi thắc mắc đủ điều, hỏi những câu, thú thật tôi không đủ ngôn từ để giải thích cho con tôi hiểu, tôi lo lắng và nhận ra một điều, đã lâu rồi tôi không có dịp rèn luyên về ngôn ngữ bản xứ, với ngôn ngữ bản xứ ít ỏi của tôi hiện có lẽ là một rào cản lớn trong việc giáo dục và hướng dẫn con cái ở tương lai, càng nghĩ tôi càng cảm thấy có lỗi với con tôi, trăn trở về điều này, xác định được rằng đây là trách nhiệm của người mẹ đối với con cái, tôi cần phải vượt qua, đã đến lúc bản thân tôi cần phải trau dồi thêm kiến thức. Tôi cũng cần phải đi học.
Việt Nam quê tôi có câu:
“Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Ý tưởng trên là kim chỉ nam cho tôi, tôi bắt đầu ghi danh đi học. Vậy là từng ngày sau bữa cơm chiều lo toan xong mọi việc, tôi cùng với con tôi đến trường vào mỗi tối. Những ngày đầu đến trường là cả một vấn đề khó khăn, trường học thì xa nhà, con cái còn bé bỏng, nhưng dần dần rồi cũng quen, rồi cũng vui vì chung quanh cũng có những chị em đi học như tôi, các chị em đến lớp đa phần đều bồng bế theo con cái, tay xách nách mang đem cả nôi đến lớp cho con ngủ,ấn tượng nhất là hình ảnh mẹ ngồi học con nằm ngủ, con khóc mẹ pha sữa trong giờ học, mới thấy hết sự hiếu học của các cô dâu Việt Nam ở xứ Đài.
Năm tháng ngồi ghế nhà trương rồi cũng lặng lẽ trôi qua ,như cái vô thường của tạo hóa của đất trời âm thầm đến rồi đi. Mãn khóa học niềm vui lớn nhất vẫn là thầy và trò, thày cất công chia sẻ kiến thức, học trò tích cóp vào túi tri thức của mình thêm nhiều con chữ. Bế giảng khóa học, thầy trò chia tay nhau trong tình thân thương và quyến luyến.
Không dừng lại ở đó tôi tiếp tục đăng ký học nghề do chính phủ tổ chức, hỗ trợ các cô dâu nước ngoài có một nghề nhằm hòa nhập với cuộc sống và rồi tôi cũng đã lấy được bằng chương trình Word & Excel. Hy vọng sau này có thể kiếm được một công việc làm nào đó. Con cái tôi mỗi ngày một lớn, nhu cầu về tài chánh cũng nhiều hơn, cần có tiền lo cho con ăn học.
Tuy bận rộn là vậy nhưng tôi vẫn tranh thủ thời gian làm tình nguyện viện , tham gia vào công việc từ thiện, các nơi tôi đã tham gia gồm trường tiểu học Trung Sơn (Trungshan), bệnh viện Đại Lâm (Dalin), trạm y tế Nhị Luân (Erlun), các viện dưỡng lão, hoặc khi có xảy ra thiên tai lũ lụt , tôi cùng hội từ thiện Từ Tế kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người tham gia việc đóng góp từ thiện giúp đỡ những người gặp bất hạnh. Công việc này tôi đã rất thích từ thuở còn ở Việt Nam, được tham gia lòng tôi cảm thấy thanh thản; nhẹ nhàng; cuộc sống có ý nghĩa hơn bởi sự chia sẻ yêu thương và học hỏi được thêm nhiều điều quý báu. Có những điều trước đây tôi hoàn toàn không hiểu, mà nếu có hiểu thì cũng chỉ hiểu lơ mơ, nay tôi có điều kiện được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đại chúng, tri thức của tôi qua đó ngày càng được rộng mở và đã ngộ ra nhiều điều trên quê hương này.
Thoắt đó đã mười năm trôi qua. Cuộc đời không êm ả và bình lặng như ta nghĩ, dòng sông tưởng hiền hòa nhưng đôi lúc cũng bỗng dưng dậy sóng. Bố chồng tôi bệnh mỗi lúc một nặng , để tiện việc điều trị và yên tâm hơn, chồng tôi đã đưa cả gia đình lên Đài Bắc chung sống.
Còn tôi với kiến thức nhỏ nhoi của mình, gặt hái được ở Yunlin, tôi may mắn được bạn bè giới thiệu vào làm nhân viên ở một công ty giao dịch về tiền tệ và hàng hóa, vào ngày nghỉ lễ tết, họ đến để gởi tiền, gởi quà về Việt Nam. Công việc khá bận rộn nhưng rất phù hợp với tôi. Hàng ngày được tiếp xúc với nhiều người đồng hương hầu hết họ là những người hợp tác lao động và những cô dâu Việt mới sang Đài Loan, cuộc sống của họ khó khăn, vất vả với công việc làm, họ chỉ mong làm thật tốt, được tăng ca, có đủ tiền gởi về quê nhà trả nợ và mong gia đình có cuộc sống khá hơn. Sau giờ tan ca, họ ăn uống qua quýt đạm bạc ,chủ yếu là mì gói, ngôn ngữ bất đồng là trở ngại lớn đối với họ trong việc giao tế với người bản xứ. Thấy họ tôi như là nhìn thấy chính mình của mười năm về trước.
Thật cảm động khi khách hàng đã xem tôi như là người bạn để trải lòng, tôi luôn lắng nghe họ bộc bạch những khó khăn của cuộc sống tha phương nơi đất khách, tôi chia sẻ cùng họ về những trải nghiệm của chính mình và sẵn sàng làm thông dịch viên khi họ cần sự giúp đỡ. Tôi rất vui khi có được nhiều khách hàng quý mến mình. Tôi tin rằng thời gian sẽ làm họ thích nghi với cuộc sống nơi này.
Đảo quốc Đài Loan được gọi là “Formosa” Taiwan tức “hòn đảo xinh đẹp”. Với vẻ đẹp tự nhiên, bờ biển trong xanh, thơ mộng hòn đảo mà tôi đã chọn làm quê hương thứ hai. Người Đài Loan rất hiếu khách, nhiệt tình, niềm nở, trong giao tiếp luôn nói lời “cám ơn” và nói lời “xin lỗi” khi có sơ suất hay làm phiền hà người khác.
Là người Việt sống trên đất Đài Loan, tôi đã học được nhiều đều hay, luôn trân trọng những gì mình đang có và đã gặt hái được, tôi cảm thấy mình thât hạnh phúc, mặc dù hiện tại tôi chỉ là một người làm công và ở nhà thuê. Tài sản của tôi là hai đứa con ngoan, một người chồng hiền hậu và một người Bố chồng đôn hậu ôn hòa.
Mười năm sống sống nơi quê chồng tôi đã nuôi dạy con tôi lớn khôn, để nâng cao kiến thức tôi thường đặt tap chí và những dĩa CD có tính chất giáo dục cho con nghe và thường bảo với chúng rằng “ Mẹ là người nước ngoài có những điều thật sự mẹ lạc hậu, không hiểu biết nhiều, nếu con nghe và đọc được những điều gì hay kể cho mẹ nghe với nhé”. Hai đứa con tôi ham mê đọc sách và thế là chúng kể cho tôi nghe, từ đó trở thành thói quen, thói quen ấy đã giúp con tôi đoạt hai lần giải nhất và một lần giải nhì về những lần thi kể chuyện tại trường. Thật ra nghe con kể chuyện cũng là cách cho con tôi được nhớ sâu hơn về những gì chúng đã biết và học được, qua đó tôi mới hiểu được chúng đang tư duy gì về vấn đề chúng hiểu, nhằm mục đích lèo lái chúng có một khái niệm tốt đối với cuộc sống xung quanh. Mỗi lần sau giờ làm việc về tới nhà, hai đứa con của tôi ríu rít dành kể mọi thứ chuyện, xem tôi như một người bạn thân thiết để tâm sự, sẻ chia, đó là hạnh phúc là niềm vui lớn nhất của tôi.
Là một tân di dân Đài loan, đôi lúc tôi cũng nhận ra có những cái nhìn thiếu thiện cảm, những suy nghĩ chưa tốt đối với cô dâu Việt, có thể đây chỉ là thiểu số, hy vọng thời gian sẽ làm phôi pha những ý nghĩ này. Dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn tự tin mình đã đi đúng hướng. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm tròn bổn phận của người mẹ, một người vợ, một cô dâu thảo, một người có ích cho xã hội, đó là hạnh phúc là mục tiêu hướng đến của tôi.
“Ta không sợ đi lạc đường mà chỉ sợ rằng không biết mình đang đi đâu?... Vâng, tôi đã quyết tâm và đang tiếp tục trên con đường về tới đích, dù con đường trước mắt vẫn còn nhiều chông gai, cam go và thử thách.
Xin cảm ơn cha me tôi đã cho tôi quan điểm đúng đắn để đi vào đời, cảm ơn chồng tôi đã yêu thương ,tạo cho tôi tính tự lập, cảm ơn con tôi đã đồng hành cùng tôi suốt tháng năm đi đến lớp và âm thầm trở về nhà trên con đường quê, lạnh ngắt sương đêm.
Xin được gởi đến thầy cô của tôi lời tri ân chân thành sâu lắng nhất. Mắt tôi bỗng cảm thấy cay cay có phải vì bụi đường vương trên mắt, hay là cảm xúc dâng trào vì nhớ đến ơn nghĩa thầy cô.
Xin cảm ơn chính phủ Đài Loan đã quan tâm, tổ chức những lớp học và những lớp dạy nghề cho chúng tôi, để cô dâu nước ngoài như chúng tôi có điều kiện thuận lợi nâng cao kiến thức, nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống trên quê hương mới, góp phần nhỏ nhoi của mình trong việc dựng xây đất nước, một đất nước vốn có cuộc sống văn minh tươi đẹp và phồn vinh.
Mỗi sáng đến nơi làm việc, tôi thường thì thầm câu thơ bất hủ của thi sĩ người LiBan: Lalil Gibran đã tiếp cho tôi niềm hứng khởi và niềm vui trong cuộc sống.
“Xin cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, tôi lại có thêm ngày nữa để yêu thương”.