MẸ TÔI, TÔI VÀ ĐÀI LOAN

2014-05-28 / Lieu vu thi / MẸ TÔI, TÔI VÀ ĐÀI LOAN / Tiếng Việt / Không

"Tôi sang Đài Loan là vì mẹ tôi.
Tôi không giống như đa số những người Việt Nam khác, xuất khẩu lao động sang Đài Loan với học vấn chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 hoặc cấp 2. Tôi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại khá. Thật là lạ, phải không?
Mẹ tôi bị bệnh thấp khớp từ năm 30 tuổi, bây giờ mới 59 tuổi mà trông đã rất già yếu. Bố tôi hồi còn sống có làm công nhân, nên cũng lo được cho chị gái tôi học xong đại học, sau đó mắc bệnh rồi qua đời năm 51 tuổi, khi tôi học năm đầu đại học. Chị gái tôi sau khi ra trường, làm công chức nhà nước, đồng lương ít ỏi, đã lấy chồng sinh con, chồng chị tôi hiện đang thất nghiệp do thời buổi khủng hoảng kinh tế, nên chị gái tôi cũng không lo được cho mẹ tôi. Mà thực chất, chị gái tôi gần như bỏ mặc sự sống chết của hai mẹ con tôi, không lo tới. Mẹ tôi bị bệnh, đi lại khó khăn, không làm được việc nặng, không kiếm được tiền, trong khi đó vẫn phải uống thuốc, vẫn phải ăn, vẫn phải dùng điện nước, ở quê lại hay có đám đình (đám đình là một nỗi lo lắng rất lớn đối với người dân ở quê!). Thực sự không biết xoay xở tiền ở đâu ra. Cho nên dù bệnh, mẹ tôi cũng cố trồng hai xào ruộng, đến mùa gặt mẹ tôi còn đi mót lúa. Nhà tôi có trồng hòe, mỗi vụ thu hoạch cũng được khoảng 3 triệu. Nhưng mẹ tôi bị bệnh khớp, khớp tay khớp chân đều xưng tấy, tay giơ lên chải đầu còn khó khăn, ăn cơm cũng không thể cầm đũa mà phải cầm thìa, cây hòe lại rất cao, bẻ hòe đối với người khỏe mạnh cũng đã là một việc rất mệt nhọc huống chi là đối với một người bệnh như mẹ tôi. Còn tôi, sau khi tốt nghiệp Đại học, vác trên vai món nợ 43 triệu vay của ngân hàng nhà nước hỗ trợ sinh viên nghèo. Các bạn tôi sau khi ra trường, gia đình sắm cho xe máy để xin việc, còn tôi phải đạp trên chiếc xe cà tàng (chiếc xe tôi mua ở hiệu cầm đồ với giá 300 nghìn) giữa trời nắng để đi xin việc. 
Tất cả những điều đó, chị gái tôi không hề quan tâm. Mỗi lần về nhà, nhìn mẹ tôi sống trong cảnh túng bấn, cực khổ tôi lại hỏi: “Chị có gửi tiền về cho mẹ không?”, mẹ tôi bảo: “Không.”, “- Vậy mỗi năm chị cho mẹ được bao nhiêu?”, “- Thì cứ tết biếu mẹ 1 triệu.”, “- Chỉ có vậy thôi à?”, “- Ừ.” Tôi thở dài, xót xa, cay đắng. Tôi tưởng, chị gái tôi không quan tâm đến tôi đã đành, đằng này, ngay cả mẹ cũng bỏ mặc không quan tâm. Chị gái tôi, dù sao cũng đã ra trường sáu năm, dù đồng lương ít ỏi, ít nhất cũng lĩnh hơn 3 triệu một tháng. Vậy mà không thể trích cho mẹ tôi vài ba trăm mỗi tháng. Ở quê, chỉ cần 300 nghìn một tháng là đủ sống yên ổn rồi. Vậy mà… Tôi thỉnh thoảng có đến thăm chị, tôi biết chị sống cũng đầy đủ, cũng thoải mái, còn người mẹ già ở quê đang phải sống tằn tiện qua ngày như thế nào dường như nằm ngoài sự hiểu biết của chị tôi. 
Nhìn mẹ tôi tiều tụy mà tôi đau đớn trong lòng, trách mình sao quá kém cỏi, một năm trời rồi mà chưa xin được việc. Tôi ngày đêm suy nghĩ: không thể như thế này, không thể tiếp tục như thế này, bây giờ mẹ tôi chỉ còn biết trông chờ vào tôi mà thôi, đang thời buổi khủng hoảng kinh tế, nhiều người có việc còn bị mất việc, nhiều người tốt nghiệp đại học cũng đang thất nghiệp như tôi, biết bao giờ tôi mới xin được việc, mà nếu xin được việc rồi, tôi có thể lo cho mẹ tôi được hay không, cứ cho là mỗi tháng tôi kiếm được 5 triệu, sống trên thành phố tiền nhà tiền ăn đắt đỏ, tôi lại còn món nợ ngân hàng 43 triệu chưa trả, không biết còn dư được bao nhiêu, mẹ tôi bây giờ đã 59 tuổi, đã rất già và yếu, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa, có đợi được đến ngày tôi trả hết nợ ngân hàng hay không, mẹ tôi sống khổ cả một đời, chẳng lẽ đến lúc chết cũng không biết cuộc sống đầy đủ thoải mái là như thế nào.
Cứ như vậy, nhiều ngày đêm tôi trằn trọc suy nghĩ, phân tích, phân tích đi rồi phân tích lại, cuối cùng tôi đi đến quyết định: đi xuất khẩu lao động, chỉ có đi xuất khẩu lao động mới mau chóng thoát nghèo, chỉ có đi xuất khẩu lao động mới mau chóng trả hết nợ, chỉ có đi xuất khẩu lao động mới lo được cho mẹ tôi có một cuộc sống dư dả. Mẹ tôi đã sống khổ cả một đời, sống tiết kiệm cả một đời, sống thiếu thốn cả một đời, tôi không thể để mẹ tôi sống khổ như thế nốt phần đời còn lại, tôi không đành lòng, tôi không cam tâm. 
Qua tìm hiểu trên mạng, tôi thấy thị trường Đài Loan lương cũng được mà chi phí lại không quá cao. Ở quê tôi, cũng có nhiều người đi Đài Loan, ai trở về cũng dư dả cả, mua được đất, xây được nhà, mua được xe máy, trong nhà tiện nghi đầy đủ. Đối với tôi, không cần nhiều đến thế, chỉ cần mẹ tôi có cuộc sống lo đủ, an nhàn vui vẻ lúc tuổi già là tôi mãn nguyện rồi. Vì vậy, cuối cùng tôi quyết định chọn đi Đài Loan.
Tôi nói với mẹ tôi quyết định của mình, mẹ tôi đồng ý. Lại vay ngân hàng, vay thêm bà con họ hàng, cuối cùng cũng xoay xở đủ cho tôi số tiền 120 triệu. Ngày lên đường, hai mẹ con nhìn nhau ngậm ngùi, nước mắt rưng rưng, dường như có quá nhiều điều muốn nói để có thể nói. Sáu năm qua (năm năm tôi học đại học và một năm sau khi ra trường), tôi và mẹ đồng cam cộng khổ, mẹ tôi ở nhà khổ bao nhiều thì tôi học đại học khổ như thế, ban ngày tôi đi học, buổi tối tôi đi làm thêm. Gia sư, phục vụ bàn, rửa bát, quét dọn, việc nào tôi cũng làm qua cả. Nghỉ hè, tôi về nhà còn đi gặt khoán, cấy khoán, tôi cấy gặt nhanh không kém gì những người nông dân thực thụ ở quê. Ngày tết, tôi không về mà ở lại Hà Nội nhận công việc chăm sóc cụ già, đơn giản vì mẹ con tôi không có tiền ăn tết. Những nỗi khổ cực về thân xác đó, thực sự đối với tôi không là gì, nỗi khổ trong tâm, nỗi khổ về một người mẹ già bệnh tật ở nhà không ai chăm sóc, vẫn phải hàng ngày cặm cụi kiếm miếng ăn mới thực sự làm tôi khổ. Trải qua sáu năm bĩ cực đó, mẹ tôi giờ tóc đã bạc, da đã nhăn nheo, cái nhìn đã không còn nhanh nhẹn, đối với tôi, trải qua sáu năm đó giống như đã sống qua cả một cuộc đời. Vì vậy, giờ đây tôi từ bỏ tấm bằng đại học, từ bỏ ước mơ làm “Ông nọ, Bà kia” của mình để đi làm công nhân, có rất nhiều người thấy khó hiểu, không đồng tình, cho rằng tôi bỏ phí năm năm đại học, chỉ có mẹ tôi và tôi hiểu vì sao tôi có sự lựa chọn như vậy. Giờ đây, trong tôi tràn ngập quyết tâm và niềm tin, tin vào tương lai, tin vào sự lựa chọn của mình, tin vào chính sách mở cửa của nhà nước Việt Nam, tin rằng đất nước Đài Loan tươi đẹp kia sẽ giúp tôi thay đổi cuộc sống.

Đài Loan, một đất nước thú vị!
Hiện tại, đến bây giờ tôi đã làm việc ở Đài Loan được hơn bảy tháng. Thực tế, bảy tháng qua đã chứng minh sự lựa chọn của tôi là đúng. Đài Loan đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Bất ngờ thứ nhất, môi giới.
Trước khi đến công xưởng, tôi phải làm các giấy tờ thủ tục ở công ty môi giới. Tôi không ngờ ở đây lại có nhiều người Việt như vậy. Khác với những gì tôi được nghe và tưởng tượng về môi giới (hình ảnh môi giới bên Đài Loan qua các phương tiện truyền thông báo chí, mạng internet, và truyền miệng ở Việt Nam không được đẹp cho lắm), các anh chị môi giới ở đây đều rất vui vẻ, lịch sự và thân thiện khiến cho tôi cảm thấy rất yên lòng.
Bất ngờ thứ hai, bà chủ.
Đến công xưởng, lúc đầu tôi cứ nghĩ “Lao ban” là ông chủ, lại hóa ra là bà chủ. Bà chủ mới 39 tuổi, còn rất trẻ và đẹp. Bà rất thân thiện và tốt bụng. Buổi trưa tôi ăn cơm hộp, buổi tối, hôm nào bà chủ nấu cơm đều cho tôi một suốt, nếu không nấu cơm bà lại cho tôi bánh mì, bánh bao, xôi cuộn, hoa quả, hoặc là một món gì đấy là lạ của Đài Loan mà tôi không biết tên. Thứ bảy, chủ nhật được nghỉ, bà biết tôi mới sang không biết đường, bà còn mua cho tôi đồ ăn sáng, làm tôi cảm động và thấy rất ấm lòng. Bà còn dẫn tôi đến trường học, đăng kí lớp tiếng trung buổi tối cho tôi, trên đường về bà còn ghé vào tiệm mua cho tôi bánh mì và nước uống. Ôi, một bà chủ như thế, không còn may mắn nào hơn!
Bất ngờ thứ ba, trường học.
Trường học là một bất ngờ lớn nhất đối với tôi, bởi vì tôi không ngờ sang Đài Loan làm công nhân còn được đi học, học một thứ tiếng mà tôi yêu thích, tiếng Trung. Hồi còn sinh viên, tôi vẫn có mong muốn được đi học thêm tiếng Trung, nhưng do gia đình không có điều kiện nên tôi đành gác lại mong muốn đó. Tôi định khi nào ra trường đi làm có tiền sẽ đi học sau. Bây giờ coi như ước muốn của tôi đã thành sự thật, ban ngày tôi đi làm, buổi tối tôi đi học. Đi học không mất tiền, lại còn được phát sách vở miễn phí. Ôi, thật sung sướng, thật hạnh phúc! Cô giáo dạy cũng rất  thân thiện và tốt bụng. Có một lần, khi làm việc, tôi không may bị lửa phụt vào mặt, cháy cả tóc, cả lông mày, lông mi và ria mép, nói chung mặt tôi có tí lông nào đều bị cháy rụi hết, mũi, miệng và má bị mất đi một mảng da nhưng không nặng lắm, cô giáo thấy vậy thương quá, biết tôi chưa biết tiếng, cô dẫn tôi đi mua thuốc nhưng không cho tôi trả tiền, cô bảo cô mua cho, tôi cảm động rưng rưng nước mắt, trong lòng dâng lên một tình cảm, một tình cảm lạ với Đài Loan. Ôi, tôi đã yêu đất nước Đài Loan, yêu con người Đài Loan mất rồi!
Bất ngờ thứ tư, năm, sáu,…, thứ n.
Và còn rất nhiều điều bất ngờ thú vị khác nữa của Đài Loan mà tôi không thể kể hết ra đây. Ví như 7-eleven và family mart ở đây rất thân thiện và tiện lợi, có thể mua đồ ăn và ăn ngay tại chỗ, mở cửa 24/24. Cái này ở Việt Nam không có, khó có thể có và trong tương lai cũng không biết đến bao giờ mới có được. Đơn giản vì người dân Việt Nam còn nghèo, nếu mua và “xử lí” ngay tại chỗ như vậy, rất dễ xảy ra mất trộm (Hì, tôi không có ý chê người Việt Nam, nhưng đó là một hiện tượng bình thường vì bần cùng sinh đạo tặc mà!). Hay ví như đường phố Đài Loan rất sạch, ít bụi và không ồn như ở Việt Nam. Cùng là thành phố như nhau, nhưng đường phố ở Hà Nội rất bụi, rất nhiều rác và vô cùng ồn (hì, lại chê Việt Nam rồi, nhưng đó là sự thật mà bất kì ai cũng nhận ra), đơn giản vì ở Việt Nam người dân chủ yếu đi xe số, mà xe số thì ồn thế nào khỏi cần nói cũng biết, còn ở đây người dân lại toàn đi xe tay ga, tôi cố gắng để ý nhưng không nhìn thấy bóng dáng một chiếc xe số nào, thật là kì lạ. Hay ví như hóa ra quần áo ở bên này giá cả lại ngang ngang như ở Việt Nam, không đắt hơn ở Việt Nam là mấy, không như những đồ tiêu dùng khác, như hoa quả thực phẩm chẳng hạn đều đắt hơn gấp ba bốn lần Việt Nam, quần áo ở bên này lại rất dễ mua, rất hợp với phong cách ăn mặc của tôi, thành ra, ở bên Việt Nam cả năm tôi chẳng mua quần áo mới, nổi tiếng là người ăn mặc lôi thôi, thì sang bên này tôi lại rất tích cực đi mua sắm quần áo, hầu như lần nào nhận lương tôi cũng đều đi mua cho mình một bộ quần áo mới. Hay ví như, mỗi lần đi mua hàng xong đều được người bán hàng nói “xie xie”, tạo cho người mua một cảm giác thoải mái và vui vẻ, không như ở Việt Nam, người bán hàng không bao giờ nói “cảm ơn” đối với người mua hàng, đó là một phong cách ứng xử trong bán hàng lịch sự, thân thiện và rất dễ thực hiện mà tại sao người Việt Nam không làm được, thật là kì lạ (tôi lại chê Việt Nam, nhưng xin lỗi, đó là sự thực). Và còn rất nhiều những điều bất ngờ thú vị nho nhỏ khác nữa mà tôi đã gặp ở Đài Loan, nhưng có lẽ tôi nên dừng “khen Đài Loan và chê Việt Nam tại đây”, bởi nói nữa tôi sẽ bị người Việt Nam tẩy chay mất (hì).
Vậy là tôi đã sang Đài Loan được bảy tháng, nợ cũ 43 triệu tôi đã trả xong, nợ mới năm tháng nữa tôi cũng sẽ trả xong. Mẹ tôi ở nhà, mỗi lần tôi gửi tiền về, trả tiền ngân hàng xong, mẹ tôi còn dư được khoảng hơn 1 triệu đủ để sống trong hai tháng (cứ hai tháng tôi gửi tiền về nhà một lần). Mẹ tôi bây giờ đã có tiền mua thuốc, đã có tiền đi đám đình, đã có tiền để mua ga dùng, không phải lọ mọ xuống bếp rạ đun nữa, đã có tiền mua đồ ăn ngon để ăn, không phải tằn tiện như trước kia nữa. Cuộc sống đã thoải mái hơn, đã bớt lo nghĩ hơn trước. Mẹ tôi cũng không phải bẻ hòe nữa, không cấy ruộng nữa, không phải đi mót nữa nên bệnh cũng đỡ hơn. Mỗi lần tôi gọi điện về cho mẹ, lại kể cho mẹ nghe về sự thân thiện và tốt bụng của người Đài Loan, kể về những trải nghiệm thú vị mà tôi đã trải qua, mẹ tôi rất mừng và yên tâm cho tôi ở bên này. 
Vậy là cuộc sống của hai mẹ con tôi đã thay đổi kể từ ngày tôi bước chân xuống Đài Loan. Trước đây, trong lòng tôi lúc nào cũng nặng trĩu hình ảnh một người mẹ già bệnh tật đang sống nghèo khổ ở nhà, mỗi lần nghĩ về mẹ là nước mắt tôi chỉ trực trào ra. Trước đây, tuy tôi cười đó nói đó nhưng trong lòng tôi không hề cười. Sáu năm trời, tôi cứ sống như thế, ngoài mặt thì cười nhưng trong lòng thì đang khóc. Giờ đây, tâm hồn tôi đã không còn nặng nề như trước, mỗi lần nghĩ về mẹ tôi đã cảm thấy thanh thản hơn, đã có thể mỉm cười. Giờ đây, tôi cười là cái cười thực sự. Tuy vẫn còn nợ nhưng sắp tới tôi sẽ trả hết  Và tôi tin rằng sau này, sau này cuộc sống của hai mẹ con tôi sẽ còn khá hơn. Cảm ơn Đài Loan, cảm ơn rất nhiều. Cảm ơn chính sách mở cửa của nhà nước Việt Nam.
Chúc cho đất nước Đài Loan ngày càng phồn thịnh. Chúc cho người Việt Nam trên đất Đài gặt hái được thành công và đạt được ước nguyện của mình. Tôi hi vọng, chúng ta, những người con đất Việt tạo được ấn tượng tốt trong mắt người Đài. Bởi, giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam không ở đâu xa, mà chính là ở con người mỗi chúng ta đấy các bạn ạ. Người Việt Nam tuy nghèo nhưng chí không nghèo, cuộc sống càng gian nan thử thách chúng ta càng kiên cường, phải không các bạn?

"