Con thương ba má

2014-05-28 / Phạm Thanh Vân  / Con thương ba má / Tiếng Việt / Không


Ba má ơi! Ba má biết không, con gái thấy vui mừng lắm khi mà nhà mình được như ngày hôm nay. Đó cũng là nhờ vào sự chịu khó của ba, vất vả của má, cố gắng của con và đứa em gái siêng năng giỏi dắn, tại vì chúng con thương ba má.


Con cứ nhớ hoài không bao giờ quên được lúc con còn nhỏ, lúc nào chị em con cũng sướng hơn mấy đứa bạn cùng xóm. Cứ vài ngày là chúng con có bánh mì Sài Gòn và bánh bao Thủ Thiêm của ba đi Sài Gòn mua về vì lúc đó ba đi buôn bán hột điều còn má làm chủ hụi, còn các bạn chung xóm thì ba má không có đi Sài Gòn. Rồi con không biết tự bao giờ con không thấy ba đi Sài Gòn nữa, chị em con cũng không còn có bánh mì Sài Gòn và bánh bao Thủ Thiêm ăn. Lúc lớn lên mới nghe má kể, lúc đó má làm chủ hụi bị người ta giựt, còn ba bán hột điều mà nhiều mối cạnh tranh quá, không có lời nên ba không làm nữa. Má nói má phải bán hai công ruộng ông bà nội cho để trả tiền hụi. Nhà ông nội có tám người con, nếu ai cưới vợ gả chồng thì ông nội cho hai công ruộng và một công rẫy. Rồi ba má bán đi hai công ruộng, ba chuyển sang nuôi vịt đẻ, ba má không có vốn, người ta cho mượn vốn bắt vịt đẻ về nuôi, đẻ trứng lấy trứng, trừ dần dần, còn má thì nuôi heo nấu rượu. Lúc đó ba chị em con còn nhỏ chỉ có đi học thôi, má sai gì làm nấy, quét nhà rửa chén chỉ có vậy thôi. Ba không có ở nhà, lúc nào cũng ở ngoài đồng chăn vịt, con thấy sao ba vất vả quá. Có lúc mưa to rồi bão nữa, nhưng ba của con vẫn ở ngoài chòi vịt. Rồi bỗng một ngày ba đẩy chiếc xe gùi về, bên trong toàn là vịt chết. Con nghe ba nói với má là có dịch cúm vịt, vịt đẻ chết mấy chục con rồi. Con thấy nét mặt của ba buồn lắm, má cũng vậy, rồi ba má đem vịt chết chia cho bà con xóm làng ăn. Vịt chết nhiều quá, không đẻ trứng đủ để bán trả nợ. Tại vì phải mua lúa, mua còng, mua nghêu cho vịt ăn. Lúc nào cũng vậy, ăn trước trả sau, ba nói lỗ quá, không nuôi vịt nữa rồi ba chuyển sang nghề chạy xe ba gác, ai kêu gì chở nấy. Có lúc thấy ba chở tủ, bàn ghế, chở heo, chở tre chở lúa… toàn là những đồ nặng nhọc. Nhiều khi trời nắng chang chang người ta kêu là ba đi ngay. Con biết nhà mình không còn ruộng nữa, mỗi ngày phải mua gạo mua đồ ăn rồi tiền học phí cho chị em con. Con nhớ lúc đó con học hết lớp 8 rồi, mấy ngày trời mưa hoài không ai kêu ba chở đồ, nhà không có tiền mua gạo, ba kêu em Diễm xuống thím Sáu mua gạo thiếu. Thím Sáu nói với em là về nói với ba má, thím chỉ bán lần này nữa thôi nhé, thiếu mấy lần trước chưa trả, nếu mua thiếu nữa thì thím không bán. Diễm về kể lại, con thấy nhà mình ai cũng buồn, còn má tủi thân mà khóc, má nói sao mà khổ quá vậy, làm hoài không đủ ăn.


Thời gian cứ thế trôi đi, con học lên lớp 9. Có người bà con kiếm người bán đồ ăn sáng và cà phê, con nghe nói mừng lắm, xin ba má cho đi. Má nói ông bà nội biết được sẽ chửi chết, nhà mình nghèo thật nhưng ông bà nội cũng có tiếng trong xóm, ruộng đất nhiều. Nói tên ông bà Hai Ty ai cũng biết, nếu có cháu đi làm giống ở đợ thì mất mặt lắm. Nhưng con khóc nhất định đòi đi để kiếm tiền phụ ba má. Con thấy ba buồn không nói gì, rồi con  xin nội, mới đầu nội không cho, thấy con khóc đòi đi quá rồi nội cũng xiêu lòng.


Người bà con đến rước con đi tới nhà để phụ bán, nhà của bác ấy bán xôi mặn, bánh mì thịt và cà phê. 4 giờ sáng là con phải dậy để chuẩn bị nấu xôi, sắp bánh mì chả thịt ra bán, tới 10 giờ vợ bác Nhẫn đi chợ về, con phải vô phụ chuẩn bị nấu cơm trưa. Nhà bác mướn hai đứa gồm con và Linh. Con bán đồ ăn sáng, Linh bán cà phê. Tụi con ăn cơm trưa xong nghỉ một chút rồi đi giặt quần áo cho cả nhà. Có lúc con thấy tủi thân lắm! Nhà bác có hai đứa con gái còn nhỏ, bé Đặng có khi hay đi tiêu trong quần, con phải giặt quần cho em. Lúc giặt con thấy tủi thân, con lại rớm nước mắt nghĩ mình giống như đi ở đợ vậy, nhưng rồi nghĩ đến ba má con lại chùi nước mắt…


Thời gian cứ thế trôi qua, con đã làm cho bác được ba năm và đúng 18 tuổi. Ở huyện Nhơn Trạch có công ty giày da đang tuyển công nhân. Má nói: "Thôi con ơi, lớn rồi đừng đi làm cho người ta nữa, về đi làm công ty đi con." Nghe lời má con xin vô công ty làm. Con mừng lắm, lúc làm cho bác Nhẫn một tháng được 400 ngàn, mà đi làm công ty được 500-600 ngàn, không kể tiền tăng ca. Ngày nào cũng vậy, con thích tăng ca lắm, tại vì được làm vào khâu kiểm phẩm, được đi chỗ này chỗ kia, chỉ cần chỗ nào cần kiểm hàng ai không muốn tăng là con tăng. Con cứ suy nghĩ hoài thấy ba má vất vả cả ngày, con cũng vậy, lúc nào cũng cố gắng làm nhưng nhà mình không thấy khá lên. Có bữa nọ nghe má nói chuyện với mấy dì trong xóm rằng: "Ở Việt Nam sao mà khổ quá, làm hoài không thấy dư, mấy ông đàn ông hở ra là nhậu, nữa con gái tui lớn không gả cho đàn ông Việt Nam mà gả cho nước ngoài cho đỡ khổ."


Rồi như lời má nói, lúc con 21 tuổi ở Việt Nam có phong trào gả chồng Đài Loan. Ở nhà kế bên có bà Hai, bả nói có đứa cháu ở thành phố lấy chồng Đài Loan cũng được lắm, mới gả không bao lâu mà đã xây nhà cho ba má nó, gia đình mua sắm đầy đủ. Bà Hai hỏi con muốn đi không bà làm mai cho, con nghe vậy về hỏi má, má nói ham thì ham nhưng xa xôi quá, đâu phải ai cũng như ai, có đứa cũng khổ lắm. Nhưng lúc đó sao con không sợ, cứ nghĩ chỉ cần qua tới Đài Loan là ngon rồi, là con sẽ có tiền xây nhà cho ba má. Nghĩ tới đó con cũng vui sướng lắm. Bây giờ nghĩ lại con thấy mình ngu ngơ và dũng cảm quá. Nếu bên chồng không cho thì làm gì có tiền, mình chưa đi làm thì tiền đâu ra mà nghĩ tới xây nhà. Rồi bà Hai nói đi chụp hình đi bà đưa cho cháu bà đem sang Đài Loan, chị làm mai cháu chồng của chị cho. Cháu chồng chị nhà có 3 anh em, người chị sẽ làm mai cho con là con út. Chị nói cháu chồng chị chịu rồi chuẩn bị về nước, ba má nghe được mừng và bất ngờ quá. Sao lẹ vậy! Nhưng rồi cũng phải chấp nhận chứ sao bây giờ. Ba má xuống nhà nội nói gả con đi Đài Loan, nội chửi: "Vợ chồng mày khổ lắm sao? Bây giờ định gả con hả? Xứ lạ quê người xa xôi mà gả nó đi." Bất chợt con dòm ba, con thấy ba rớm nước mắt, còn má, má khóc. Con mới nói với nội: “Nội ơi không phải ba má con ép con đâu, đó là quyết định của con, nội cho con đi đi nội, để cho ba má con đỡ khổ, chứ ở Việt Nam con thấy ba má con khổ quá…” Rồi dần dần nội cũng Xiêu lòng.


Tháng 6 năm 2001 là ngày cưới của con, ai cũng nói "con gái chị Tư có phước quá chừng, có má chồng cậu chồng về cưới". Chồng con hiền và ít nói, nước da ngăm. Lúc đám cưới anh ấy 25 còn con 21 tuổi. Ai cũng nói xứng lứa vừa đôi. Lúc đám cưới xong còn dư được 1 ngàn 500 đô, má mua được một chiếc xe dream Trung Quốc bảy triệu, mua nồi cơm điện, mua được bếp ga.


Cảm thấy nhà bắt đầu sung túc một chút con mới sang Đài Loan, ai nói gì con cũng không hiểu. Còn má chồng nói tiếng Phúc Kiến, mỗi lần muốn nói chuyện là lấy cuốn tập ở Việt Nam đem qua ra xem. Một thời gian sau con có thai, ăn uống không quen, ở nhà ai cũng đi làm, sáng dậy chỉ có một mình con ở nhà, dọn dẹp nhà cửa xong rồi ngồi xem tivi tới trưa đi chuẩn bị nấu cơm cho má chồng đi làm về ăn. Cứ như vậy trôi qua đến lúc thai được 4 tháng, công ty chồng nói cho chồng đi xa một tuần mới trở về một lần. Con buồn lắm, không biết nói chuyện với ai, má chồng con cũng tội nghiệp, thấy con buồn má lại động viên thứ 7 là chồng về hà. Mỗi lần nghe má nói là nước mắt con cứ chảy không nói gì.


Lúc mới sang gọi điện thoại mắc lắm, 200 tệ tiền Đài Loan gọi được 8 đến 10 phút. Con không dám gọi nhiều, thường một tháng mới dám gọi một lần. Mỗi tháng má chồng cho được 3 ngàn con không dám xài, cứ nghĩ 3 ngàn đổi ra tiền Việt Nam được 1 triệu mấy, bằng một tháng lương đi làm ở Việt Nam nên con mừng lắm, con để dành cho gia đình. Bên chồng ai cũng thương con, cứ thế ngày qua ngày cuộc sống của chúng con không cao sang nhưng cũng không thiếu sự ấm áp.


Lúc sanh bé Suka được 5 tháng, má chồng con cho vợ chồng con về thăm nhà. Về tới nơi mới biết em Tuấn bị xe đụng gãy giò nằm bệnh viện gần 1 tháng mà ở nhà không dám cho con hay, sợ con mới sanh con buồn, con khóc không tốt. Rồi con đem tiền dành dụm được cho má hết, con thấy nhà mình vẫn như xưa không có gì thay đổi, chỉ có công việc của ba má là chuyển sang nghề cho thuê mướn bàn ghế, chén dĩa. Không có nhiều vốn mà mua được 20 bộ bàn ghế, cho mướn lai rai. 


Rồi 3 năm trôi qua, năm 2005 ở Việt Nam có phong trào đi Hàn Quốc, đi Nhật làm. Bé Diễm lúc đó học hết lớp 12, em học giỏi lắm, lại còn xinh nữa. Em mới nói với ba má mấy đứa bạn học chung tụi nó chuẩn bị đi Nhật nhiều lắm, nghe nói ở Nhật làm ngon lắm. Má nói nhà mình đâu có tiền nhiều, mà mình muốn đi phải nộp tiền thế chân. Hên là thời đó đất bắt đầu có giá, má mới nghĩ tới còn công đất rẫy của ông bà nội cho, đem bán đi để lấy tiền cho Diễm đi Nhật đổi đời. Rồi trong năm đó Diễm chia tay người thân, bạn bè sang đất Nhật. Sang đó công việc của em ổn định, có lúc công ty cho lãnh đồ về làm, em ham lắm, có khi làm tới 11, 12 giờ khuya. Diễm gọi điện cho con nói: “Chị hai ơi, làm ở Nhật đã quá, mỗi tháng em làm tính tiền Việt Nam hơn 20 triệu, cứ 3 tháng là em gửi cho má một lần, được 100 rưỡi má bắt đầu xây nhà lên." Nhà má xây lớn và đẹp lắm, ở xóm ai cũng nói má có hai đứa con gái đáng quá, ngoan hiền, giỏi dắn, biết thương cha thương mẹ. Lúc làm ở Nhật, Diễm quen với Bình, người trai thành phố. Bình lớn hơn Diễm 7 tuổi, là người trí thức, có trách nhiệm. Hai em yêu nhau và nói đúng ba năm hết hợp đồng về Việt Nam cưới.


Năm 2008 Diễm ở Nhật về với niềm mong chờ và vui mừng của ba má. Rồi cuối năm ấy Diễm cũng đi lấy chồng, đám cưới của em lớn và vui lắm, lúc đó vợ chồng và các con của con cùng về. Ba má nở mặt nở mày với bà con lối xóm, còn em Tuấn thi đậu được bằng lái xe hơi, má tính cho em đi lái xe cho người ta, như vậy thì công việc cũng tốt rồi, nhưng chẳng bao lâu em bị vướng vào tệ nạn xã hội. Năm 2009 em bị công an bắt đưa đi cai nghiện, ngày nào má cũng khóc, má thương em lắm, cứ mỗi tháng là má đi thăm em một lần, mỗi lần đi tốn tiền lắm, má với ba cho mướn đồ vất vả dành dụm để thăm em. Rồi hai năm trôi qua, má cũng già đi theo thời gian chờ đợi, Tuấn được cho về với gia đình, lúc em về em ngoan và thay đổi nhiều lắm. Năm 2012 Tuấn gặp Trâm, hai em thương nhau và đã xây dựng gia đình. Cả nhà mừng lắm, giờ em đã yên bề gia thất, ba má không còn lo nữa.


Gia đình mình trải qua bao nhiêu sóng gió, chúng con đã an phận với những gì mình đã chọn, ba má đừng lo lắng nữa. Gia đình mình không nhiều tiền hay có của ăn của để như người ta, nhưng cũng không thiếu thốn, không giống như xưa, ăn gạo sáng kiếm gạo chiều. Chúng con cám ơn ba má đã cho chúng con sự nỗ lực, lòng can đảm và niềm tin, tin rằng chúng con nhất định sẽ làm được vì chúng con thương ba má vô cùng.


Phạm Thanh Vân
17.05.2014