Khát vọng



2014-05-30 / Lê Thanh Tú  /  Khát vọng  / Tiếng Việt / Không

Đào Viên nơi Tú ở
Ánh nắng chẳng xuyên qua
Vui buồn cùng song sắt
Hẹn ngày về quê cha

Số phận của cuộc đời. Nó sẽ đưa ta đến đâu và dừng lại tại nơi nào? Thì đó cũng chính là một câu hỏi mà trong mỗi kiếp người chúng ta thường đặt ra. Kết quả như thế nào thì quả thực không ai có câu trả lời về điều đó phải không ạ? Chính lúc này đây bản thân T cũng đang phải gánh chịu một cuộc sống đầy đen tối và tủi hận. Hiện giờ T đang phải chấp hành một bản án 7 năm 6 tháng tù giam tại nhà tù Đài Bắc. Và tới lúc này nửa chẳng đường T đã đi qua. Thời gian còn lại cũng chính là dành cho số phận quyết định cuộc đời của T.
Kính thưa toàn thể đại gia đình anh chị em Việt Nam gần xa yêu quý!
Lời đầu tiên cho phép T được gửi những lời chào, lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể anh chị em đã và đang sinh sống, làm việc trên “Hòn đảo ngọc” này. Nguyện “Đức chúa trời” luôn ban phước tới anh chị em cho một sức khỏe dồi dào, một công việc thuận lợi và một mái ấm gia đình luôn tràn đầy hạnh phúc.
Anh chị em à! Chính hôm nay đây với nét chữ của một con người nhỏ bé, của một con người tù tội này muốn viết lên những dòng tâm sự từ đáy lòng mình để gửi tới tất cả anh chị em đang có một cuộc sống tốt đẹp bên ngoài xã hội và trong thâm tâm T luôn luôn khát vọng tới một ngày nào đó sẽ có được những sự động viên, những sự chỉ bảo ân cần của anh chị em dành cho T, để T có thêm nhiều nghị lực vượt qua dòng đời nghiệt ngã mà T đang phải gánh chịu trong bối cảnh tù đày này.
Nhớ về từ thuở ấu thơ cho đến nay bản thân T chưa bao giờ quên được những tình cảm của gia đình, người thân dành cho T, nó ấm áp và sâu rộng tới nhường nào. Thế mà bản thân T không biết quý trọng tình cảm ấy, lại đi theo môt con đường đầy đen tôi để rồi những sự hối hận của T thì cũng là quá muộn rồi.
Từ thuở lọt lòng và biết cất tiếng khóc chào đời T được lớn lên trong bầy sữa thơm ngọt của mẹ. Cha mẹ T sinh được ba chị em T, trên T còn một anh trai và một chị gái. Gia đình T sống ở nông thôn, cuộc sống của gia đình rất nghèo nàn và lạc hậu. Quanh năm ngày tháng chỉ biết trông chờ vào mấy xào ruộng, mấy thửa rau xanh. Ngày ngày gia đình T luôn luôn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đêm thức khuya, sáng dậy sớm để bận rộn cho mấy sào ruộng, mấy thửa rau xanh ấy. Mong ước đến một vụ thu hoạch được đầy bội thu. Tuy cuộc sống gia đình khó khăn nghèo khổ là vậy nhưng cha mẹ T vẫn tần tảo nuôi ba chị em T khôn lớn. Chưa bao giờ thấy cha mẹ T để mất lòng với những người hàng xóm láng giềng. Người mà chịu nhiều cơ cực nhất vẫn chính là mẹ, mẹ ngày đêm luôn luôn phải đong đầy những giọt mồ hôi lam lũ với mấy luống rau, luống cà. Cứ tới những đợt được thu hoạch là mẹ lại hái từng cuống rau, cắt từng quả cà lẽo đẽo cắp thúng ra chợ bán để kiếm từng đồng, từng hào gom góp nuôi ba chị em T được ăn học bằng người. Với những ước nguyện cho con cái sau này được thành đạt, được thoát ly ra bên ngoài xã hội để không phải giống cha mẹ chịu cảnh “chân lấm tay bùn” như cha mẹ đã cả đời đắng cay chịu khổ.
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi chúng con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con”.
Qua nhiều tháng năm gian khổ cùng gia đình T đã được học tới Trung học phổ thông (THPT) và sau khi tốt nghiệp THPT T cũng đã dự thi vào các trường đại học – cao đẳng. Nhưng vì học lực kém thế nên ngưỡng cửa của các trường đại học – cao đẳng đã không chào đón T. Vậy là T đã lên đường nhập ngũ đi làm nghĩa vụ quân sự như các chàng trai khác. Sau ba năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự T đã trở về với gia đình. Thời gian đầu mới xuất ngũ T cũng xin vào một công ty giày da ở ngoài tỉnh để làm với mức lương phổ thông. Trong suốt hơn một năm làm ở công ty mà T thấy không có một chút tương lai gì “làm ngày nào đủ ăn ngày đó”. Đặc biệt hơn vào những năm đó ở Việt Nam mình đang rất nhộn nhịp với phong trào đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Vậy là T đã bỏ công ty về nhà xin phép cha mẹ cho sang Đài Loan để lao động với khát vọng sau này tương lai của mình sẽ được tươi sáng hơn. Những lúc đầu cha mẹ không đồng ý vì hoàn cảnh gia đình không có đủ khả năng lo cho T đi được. Rồi một thời gian sau đó gia đình T đã được mọi người trong họ đóng góp ý kiến. Vậy là cha mẹ T đã quyết định mạnh dạn đầu tư cho T đi lao động tại Đài Loan. Và những ngày sau ấy cha mẹ T đã cầm quyển sổ nhà đất tới ngân hàng phát triển nông thôn xin được vay vốn, thế là gia đình T đã vay của ngân hàng số tiền là 150 triệu đồng VN để nộp cho môi giới bên Việt Nam. Chỉ sau hơn một tháng mọi thủ tục và học tiếng cũng đã được hoàn tất và ngày bay cũng đã định đó là ngày 18.8.2008.
Nhớ về khoảnh khắc ấy mà những giọt nước mắt cứ trào rơi. Vào buổi trưa hôm ấy ngoài trời vẫn đổ mưa không ngớt, chỉ muốn được tiễn T lên đường mà cha T đã phải lặn lội hàng trăm cây số, nhà thì nghèo không có phương tiện xe gắn máy. Cha T phải đi mượn một người trong họ một chiếc xe máy để đi lên Hà Nội tiễn T. Trong lúc ấy khi mà giờ bay đã cận rồi mà T vẫn không thấy cha của T đâu cả. Trong lòng cảm thấy rất xôn xao, T chỉ sợ trước lúc xa quê hương T không còn kịp để được gặp cha nữa. Khi mà T vẫn còn đang ngơ ngác đi tìm cha thì bỗng nhiên T nghe thấy tiếng gọi mình ở phía sau: “T ơi! Cha đây… cha đây con! T liền quay mặt lại và chạy thật nhanh tiến về hướng cha và ôm chặt lấy cha. Vừa nói vừa khóc “cha ơi! Sao cha tới muộn vậy? Giờ bay đã cận rồi đó cha ạ”. Ngay lúc ấy T cũng thấy sự cuống quýt của cha mình. Cha vội vàng tháo chiếc mũ bảo hiểm ra và đưa tay lên xoa những giọt nước mưa vẫn còn đang đọng trên khuôn mặt già xạm của cha và nói dồn dập: “Con ơi nhà mình nghèo không có tiền để thuê xe ôtô. Cha cũng muốn mẹ con và anh chị em trong gia đình đều được lên đây để tiễn con, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép chỉ mình cha lên đây tiễn con thôi. Con sang bên đó cố gắng giữ gìn sức khỏe, sống trong môi trường mới phải có lập trường riêng cho mình nghe con. Không được đua đòi với bạn bè xấu, phải tuyệt đối tránh xa các tệ nạn xã hội, phải nhẫn nhịn chịu khó làm ăn, làm được tiền nhớ gửi về cho cha mẹ để cha mẹ trả nợ cho ngân hàng con nhé! Cha mẹ rất tin tưởng ở con trai của cha mẹ. Bữa sáng nay mẹ con có đi chợ sớm bán mấy con gà tiết kiệm được từng này đây, con cầm lấy đi đường, muốn ăn uống gì thì tự mua nhé con. Cha mẹ cũng không có nhiều để cho con, mong con hãy hiểu tấm lòng của cha mẹ”.
Vậy là giờ phút chia ly cũng đã đến, T vội cầm túi xách và nói lời tạm biệt với cha: “Cha ơi, con phải xa cha rồi, cha mẹ ở nhà gắng giữ gìn sức khỏe nha, đừng lo lắng nhiều về con, con đi 3 năm rồi con lại về với cha mẹ ấy mà”. Khi T vừa nói dứt lời thì cha T đã khóc và cũng đáp lời: “Ừ thằng út của cha, đi đi con, đi đường thượng lộ bình an nghe con, và hãy nhớ những lời cha căn dặn”. “Vâng! Con biết rồi cha ạ, con sẽ luôn luôn khắc ghi trong lòng. Cha cũng về đi, trời mưa cha đi đường cẩn thận nhé cha. Cha ơi, con đi đây… Cha ơi! Con đi đây… huhu.
Vậy là những tình cảm ấy cũng đành phải gác lại nơi quê nhà khi mà máy bay đã cất cánh đưa T đi thẳng vào không trung. Chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ sau đó T cũng được đặt chân đến một hòn đảo nhỏ được nằm giữa một đại dương bao la. Khi T vừa bước chân ra khỏi sân bay thì trước mắt T đã hiện ra một vẻ đẹp của một đô thị mới, có những ngôi nhà cao tầng được thiết kế san sát nhau và các tuyến đường đều có các làn xe với kiểu dáng hiện đại vẫn chạy qua chạy lại và cũng có cả những con người mới với những nếp sống rất văn minh và lịch sự. Tất cả mọi thứ khi mà T đã được chứng kiến trực diện, thế mà T cứ ngỡ mình vẫn đang nằm trong giấc mơ. Khi mà vẫn còn trong lúc ngỡ ngàng ấy thì T cũng được một người của công ty môi giới ra đón và rồi họ đã đưa T về một nơi tạm nghỉ để chờ tới sáng sớm hôm sau đi khám sức khỏe. Đến sáng sớm hôm sau mọi thủ tục cần thiết cũng đã làm xong và họ đã đưa thẳng T về Đài Trung để gặp ông bà chủ của mình. Những bước đầu về công ty T cũng đã gặp rất nhiều khó khăn về công việc và đặc biệt là tiếng nói luôn luôn bị “bất đồng ngôn ngữ”. Nhưng sau một thời gian những khuyết điểm ấy T cũng đã khắc phục được triệt để. Tưởng rằng cứ vậy là có thể kiếm ra tiền để gửi về cho gia đình rồi. Nào ngờ chỉ trong 6 tháng đầu thôi công ty của ông bà chủ phải tạm ngừng hoạt động. Vì vào năm ấy cả thế giới đang bị khủng hoảng kinh tế. Vậy là T phải ăn trực ngồi chờ để chờ chuyển chủ mới. Đời T cũng thật éo le, chỉ trong hơn một năm mà T phải chuyển tới 4 công ty “thất bại vẫn hoàn thất bại”. Buồn chán trong đầu lúc nào cũng nghĩ về số nợ vẫn còn đang nằm đọng ở ngân hàng mà hàng tháng cha mẹ vẫn phải cơ cực trả tiền lãi vậy là T đã quyết định đi tìm kế sinh nhai cho mình. T đã liều thân bỏ trốn ra ngoài và từ đó đã trở thành người sống bất hợp pháp tại Đài Loan. Trong suốt 4 tháng bỏ ra ngoài T cũng lăn lộn đi tìm hết công việc này lại tới công việc khác. Hết lên núi lại xuống núi, mỗi công việc chỉ được năm bữa nửa tháng rồi lại thất nghiệp. Nay công an đuổi, mai công an rình bắt, cơm thì bữa có bữa không, suốt ngày chỉ ở trong nhà không dám bước ra ngoài cửa. Và trong một lần không có việc làm buồn chán T đã điện cho các bạn cũ ở Đài Trung. Mong muốn các bạn sẽ tìm giúp cho mình một công việc. Nào ngờ khi về gặp các bạn ấy T đã gặp phải gánh “nạn” như ngày hôm nay.
Ngày sinh nhật T cũng là ngày cánh cửa của trại giam Đài Bắc mở ra chào đón T. Thời gian đầu T sống trong trại giam T cứ ngỡ rằng thế giới không còn tồn tại với T nữa, “sống một ngày nó cũng giống như một thế kỷ vậy đó”. Ngày ngày luôn sống trong sự dày vò, “tiền bạc đâu có bạn bè người thân cũng không”. Cộng thêm với sự suy nghĩ tiêu cực của bản thân, trong suốt hơn một năm bị giam giữ T không có liên lạc gì với gia đình. T luôn nghĩ “tự mình làm tự mình gánh chịu, T không muốn cha mẹ phải xấu mặt với hàng xóm láng giềng. Chắc có lẽ sự im lặng của mình sẽ làm cha mẹ mình được thanh thản hơn. Nào ngờ trong một lần T được trại giam tạo điều kiện cho gọi điện về gia đình. Lúc ấy T mới biết trong suốt hơn 1 năm T không có liên lạc gì với gia đình, mẹ T cứ tưởng T đã không còn sống nữa và ngày nào cũng khóc, khóc đến nỗi mắt mẹ đã bị “viêm mạc tinh thể” vậy mà gia đình cũng không có khả năng để đưa mẹ đi bệnh viện điều trị. Nghe được tin đó từ người cha của mình kể lại T đã gục ngã và không còn thiết sống nữa. Ngày nào T cũng sống trong sự đau khổ, tất cả mọi nguyên nhân đều do mình gây ra để giờ đây cha mẹ mình phải chịu nhiều đắng cay. Những ngày tháng sống trong sự đau khổ ấy và rồi T cũng được anh em Việt Nam trong này cùng cảnh ngộ động viên an ủi, dần dần T cũng thấu hiểu ra và đã đứng dậy được và quyết hứa với lòng mình sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm có ngày được trở về đoàn tụ với gia đình và sẽ bắt tay làm lại từ đầu, sẽ không bao giờ để nước mắt của mẹ phải rơi thêm một lần nào nữa. Và cũng để vết thương lòng của ngày hôm nay nó sẽ được lãng quên vào trong quá khứ.
Anh chị em kính yêu! Phải chăng trong mỗi anh chị em chúng ta ai cũng vì hoàn cảnh gia đình mới bước qua mảnh đất tha hương này phải không ạ? Vì thế trong lúc này đây T rất mong muốn và hi vọng tất cả anh chị em hãy cố gắng gìn giữ những gì mà hiện tại anh chị em đang có. Hãy luôn đặt ra cho mình một mục tiêu để phấn đấu. Hãy nên tránh xa các tụ điểm ăn chơi và cũng đừng nên sa ngã vào các tệ nạn của xã hội vì “cái gì cũng có giá của nó đấy!”. Hãy thận trọng trong mỗi bước đi của mình, đừng vì những cái lợi danh trước mắt”. Đừng có tư tưởng khinh thường pháp luật vì luật pháp Đài Loan họ luôn dùng các điều luật đã có trong Bộ luật tố tụng hình sự để xử lý, vì thế các mức ánh bị xử phạt là rất nặng. Mong sao với những ai vẫn có lối sống buông thả và muốn khẳng định mình là đàn anh đàn chị thì T đây cũng xin anh chị hãy nhanh chóng thức tỉnh lại và hãy nghĩ về cha mẹ, vợ con của mình, ngày ngày họ vẫn luôn mong ngóng chúng ta trở về đó. Đừng để vì những sự cám dỗ của xã hội, đừng vì ma lực của đồng tiền để rồi tới lúc “hối hận thì đã muộn” đó.
Đừng để bóng tối của trại giam che khuất cuộc đời tươi đẹp của chúng ta nhé!
Lời cuối của một con người bé nhỏ này. Kính chúc anh chị em luôn đạt được mọi ước mơ trong cuộc sống, thành công trên con đường mà anh đã chọn.
Chúc anh chị em sẽ luôn giữ vững tay lái đưa con thuyền đầy ắp kinh tế về với quê hương, về với gia đình thân yêu của anh chị.


Chào thân ái!
Hẹn gặp lại anh chị em tại quê nhà!