BA 老父



2014-05-27 / Rong rose /  BA 老父 / Tiếng Việt / 四方報


1.
- Con không ăn cháo đâu… Con muốn ăn phở cơ!
- Biển ngoan, phải ăn mới mau khỏi bệnh, hôm nay cố ăn hết bát cháo này, mai bố mua phở cho…
- Ăn cháo chả có vị gì cả…. Con không ăn đâu… Con không ăn….
…………..
- Biển, dậy ăn phở nào con…. Ăn mau cho nóng…
Ba nhìn tôi ăn ngấu nghiến bát phở nóng hổi, cười mãn nguyện và quên hết mọi mệt mỏi sau khi đạp xe 5km lên phố huyện giữa cái nắng hè chói chang chỉ để mua cho tôi bát phở.
- Ngon quá ba ạ, ngày nào cũng được ăn phở thì thích quá…Sau này lớn lên con sẽ mở quán phở, thế là ngày nào cũng được ăn phở.
- Hôm trước có đứa nào bảo muốn làm hướng dẫn viên du lịch cơ mà. Hôm nay lại muốn làm bà chủ quán phở à?
- Ơ ơ ơ…. À con nghĩ ra rồi, thế sau này con vẫn sẽ là hướng dẫn viên du lịch, và… sẽ lấy một anh bán phở!
- Ha ha ha ha ha ha…. Ba cười lớn tiếng và ôm chặt tôi vào lòng.
Thời gian trôi nhanh như thị trường tăng giá, con bé với giấc mơ “một túp lều tranh–hai bát phở” ngày nào mai sẽ lên xe hoa về nhà chồng. Nhìn lại căn phòng thân quen đã gắn bó với tôi suốt 24 năm qua mà không khỏi bồi hồi, luyến tiếc. Từng câu chuyện, từng kí ức, từng lời nói, tất cả kỉ niệm của tuổi thơ ùa về trong tâm trí tôi. Thế là ngày mai tôi lấy chồng, ngày mai tôi sẽ rời xa căn phòng này, và ngôi nhà này… mãi mãi. Tôi sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi”, bỏ tất cả mọi thứ ở lại cùng nắng gió biển khơi quê nhà để lên máy bay đến nơi đảo xa…
Tích…tích tắc… tích tắc! Ồ, nhanh thật mới thế mà đã 2 giờ sáng rồi! Chắc đây là tâm trạng của tất cả mọi cô gái trước khi về nhà chồng, hồi hộp, xao xuyến đan xen lo lắng và nuối tiếc. Tôi phải ra ngoài hít thở cho thỏa cái mùi gió biển mằn mặn này, không ngày mai đến nơi thành phố phồn hoa kia sẽ chẳng còn cái mùi cát cháy nắng, mùi tanh và mặn nồng của biển nữa. Mùi thuốc lào nồng nặc lấn át cả vị biển, tôi nhìn quanh….
- Ba… Sao ba chưa ngủ? Còn ngồi đây hút thuốc và uống rượu vậy?
- Ba không ngủ được…
Ngồi xuống bậc thềm bên cạnh ba, nhìn khuôn mặt trầm tư phảng phất một nỗi buồn không diễn tả được bằng lời mà lòng tôi như thắt lại. Tôi biết rõ, ba đang buồn lắm, ba đang lo lắng cho tôi lắm. Nhà có 5 anh chị em, tôi là con út nên cũng là con gái rượu, con gái bia, con gái thuốc lào của ba. Từ nhỏ ba đã thương tôi nhất nhà, tôi muốn gì ba cũng cho, tôi muốn làm gì ba cũng đồng ý. Tôi muốn làm hướng dẫn viên du lịch, ba bỏ hết công việc, đưa tôi lên Hà Nội ôn thi đại học ngoại ngữ hơn tháng trời, ngày ngày tôi lên lớp luyện thi, ba ở lại phòng trọ nấu cơm nóng canh ngon, đợi tôi về hai cha con cùng ăn. Ngày tôi thi đại học ba ngồi ngoài cổng trường từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều trong cái chảo lửa của đất thủ đô để đợi tôi thi xong. Ngày tôi cầm giấy báo đỗ đại học, ba vừa mừng vừa tủi đi khắp xóm làng thông báo tin vui và cũng để vay tiền đóng học phí, sinh hoạt phí cho cuộc sống đắt đỏ ở thủ đô của tôi. Bốn năm tôi học đại học là 48 tháng ròng ba tay bồng tay bị gạo, rau xanh, cá biển lên Hà Nội chỉ để “bồi bổ cho con gái có sức khỏe mà học hành”. Không quản ngại mưa nắng, không quản ngại đông hè, không quản ngại 3 giờ lắc lư, rung bần bật trên xe khách, tháng nào cũng vậy, cứ 30 hàng tháng là tôi lại được ăn cơm ba nấu, ăn cá biển quê hương, được làm nũng ba.
Vì để theo đuổi giấc mơ “hướng dẫn viên du lịch” nên tôi lần đầu làm ba thất vọng. Tôi không về quê sau khi tốt nghiệp đại học mà ở lại Hà Nội làm việc. Tôi hùng hồn hứa với ba “Ba yên tâm con chỉ đi làm vài năm để lấy kinh nghiệm và tích lũy chút vốn phòng thân thôi. Hai ba năm nữa con sẽ về quê làm việc và lấy chồng.” Nhưng số phận không bao giờ giống như chúng ta sắp đặt, tôi đã gặp anh trong một lần dẫn đoàn, một chàng trai Đài Loan chả có gì nổi bật ngoài biết nói mỗi câu tiếng Việt lơ lớ “ Chào em, em khỏe không? Em xinh quá!” học mót được từ mấy người Việt Nam sống ở Đài Loan. Tình yêu là liều thuốc làm tê liệt hệ thống thần kinh và kích thích nhịp đập của con tim. Vượt qua khoảng cách địa lý, bất đồng ngôn ngữ và quốc tịch, tình yêu của chúng tôi bùng cháy như “ngọn lửa Cao Nguyên” trong suốt hơn một năm. 14 tháng 2 năm 2001 anh bất ngờ bay sang Việt Nam để đeo lên tay tôi vật chứng của tình yêu và một lời cầu hồi giản dị như chính con người anh “ Em có muốn ăn mì bò cùng anh cả đời không?”
Lời cầu hôn của anh khiến tôi vỡ òa trong hạnh phúc nhưng lấy anh, tôi sẽ phải theo anh đến Đài Loan, tôi sẽ phải rời xa gia đình và quê hương, ba mẹ tôi có đồng ý không? Tôi bối rối không biết nên trả lời anh thế nào. Tối đó tôi về nhà và kể cho ba tôi nghe mọi chuyện cũng như những cảm xúc đang chất chứa trong lòng. Ba ngỡ ngàng không nói nổi thành lời, im lặng bước ra ngồi đúng vị trí này suốt đêm. Có lẽ đó là đêm dài nhất cũng là đêm khó khăn nhất trong cuộc đời ba, lần đầu tiên phải phản đối con gái rượu hoặc “sẽ mất con gái mãi mãi.” Chỉ sau một đêm mà khuôn mặt ba hốc hác, gầy dộc đi như người mới ốm dậy, ba nhẹ nhàng nhưng rầu rĩ : “Nếu con yêu và con muốn lấy người con yêu thì ba không ngăn cản, mong ước lớn nhất đời ba là các con được hạnh phúc, nên nếu con cảm thấy hạnh phúc bên anh chàng đó thì ba không phản đối. Nhưng phải đưa anh chàng đó đến gặp ba trước, ba phải xem anh chàng đó như thế nào, muốn lấy con gái rượu của ba không phải đơn giản đâu.” Sau nhiều vòng thử thách của ba, cuối cùng ngày mai cũng đến.
- Ba già rồi… hút thuốc và uống rượu ít thôi, không tốt cho sức khỏe đâu ạ.
- Ba biết rồi, ba chỉ hút thuốc và uống rượu nốt hôm nay nữa thôi. Mà sao con không ngủ đi, 5h sáng phải dậy để chuẩn bị đưa dâu rồi đấy. Thức khuya mai làm sao trở thành cô dâu xinh đẹp được.
- Con gái ba xinh đẹp sẵn rồi, thức có một đêm không xấu đi được phân nào đâu ạ. Ba cũng ngủ sớm đi ba...
- Uh…
Ba không nói thêm lời nào, trầm ngâm nhìn vào không gian xanh đen trước mặt. Và… đôi mắt ba bắt đầu ươn ướt, nhạt nhòa. Trời ơi, lần đầu tiên trong 24 năm qua tôi nhìn thấy ba khóc, chiến tranh rồi bao nhiêu năm vật lộn với biển khơi, với khó khăn của cuộc sống không làm ba rơi lệ mà hôm nay ba đã khóc…
- Con xin lỗi ba ơi, con xin lỗi… Tôi ôm chặt lấy ba, khóc nức nở như thưở còn lên ba.
- Trời ơi, sao lại khóc, con bé ngốc này, mai mắt sưng húp sao làm cô dâu. Mà có gì phải xin lỗi chứ…
- Con xin lỗi ba, con làm ba buồn, làm ba lo lắng,
- Đối với ba, hạnh phúc của con là quan trọng nhất, ba có thương con cũng không thể đi cùng con cả đời được, anh chàng đó là người tốt, ba tin ba không nhìn nhầm đâu… Nhưng… ba vẫn thích anh bán phở hơn anh bán mỳ bò con ạ.
Nụ cười gượng gạo nhưng ấm áp như nắng cuối hạ, không gay gắt và chói chang chỉ đủ để sưởi ấm lòng tôi, đủ để tôi có thể cười phá lên, quên đi chút nào những lo lắng đang chất chứa trong lòng.
- Thế sang bên đấy con sẽ bảo anh ý chuyển sang bán phở Việt Nam không bán mì bò nữa… Ha ha ha ha.
- Ha ha ha ha ha ha… Vâng, tôi đợi ăn phở con rể nấu… nhưng tôi chỉ sợ đợi được đến ngày đấy tôi chả nhai được thịt bò nữa thôi…
- Ba không tin con gái ba ư? Con là ai chứ!
- Vâng, cô là con gái tôi, đứa con gái đến luộc gà còn chả biết mà đòi dạy chồng nấu phở… Hahahha.
Hai ba con ngồi tâm sự suốt đêm, từ những kỉ niệm thời tôi còn đỏ hỏn trên tay ba cho đến ngày hôm qua. Cả không gian như chững lại lắng nghe tiếng thì thầm, tiếng cười khúc khích và tiếng khóc cất giấu thật chặt trong tim của hai ba con tôi.
2.
Lúc ngồi trên máy bay đến hòn đảo này, lòng tôi đan xen hàng trăm cảm xúc, một chút háo hức khi lần đầu được ngồi máy bay xuất ngoài, một chút hạnh phúc khi được tay trong tay với người đàn ông tôi yêu đến quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên, một nỗi buồn phảng phất khi phải rời xa mảnh đất hình chữ S nhiều kỉ niệm, rời xa vòng tay bố mẹ, bạn bè và người thân để đến sinh sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Khi máy bay hạ cánh cũng là lúc nước mắt tôi tuôn rơi để nhắc nhở bản thân về thực tại : “… Tôi đã đến nơi rồi! Bố mẹ ơi, con đến nơi rồi! Đài Loan… tôi đã đến Đài Loan!”
- Đây là quê hương, là nhà của anh… Chào mừng em đến nhà anh!
Anh mỉm cười, nắm chặt tay tôi bước ra khỏi sân bay. Nhưng đứng giữa một nơi xa lạ, một đám đông với ngôn ngữ xa lạ, tim tôi vẫn đập thình thịch….
- Chào mừng con đến Đài Loan…
Giọng nói ấm áp của ba chồng tôi vang lên, cắt đứt dòng suy nghĩ miên man về cuộc sống ở nơi xứ Đài. Tôi còn nhớ lần đầu nhìn thấy ông, một cảm giác thân quen như người thân. Có lẽ vì ông trông rất giống ba tôi, cũng nước da ngăm đen, sạm màu vì lăn lộn với cuộc sống, cũng mái tóc muối tiêu cùng nếp nhăn của tuổi tác, và đặc biệt là giọng nói trầm, vang nhưng ấm áp tạo cho người đối diện một cảm giác an toàn và bình yên. Mẹ chồng tôi hôm nay mặc bộ đầm đen trông rất sang trọng mà vẫn rất trẻ trung. Vốn có gu thời trang phong cách từ thủa còn thiếu nữ nên bây giờ tuy đã ngoài 50 nhưng trông bà vẫn rất trẻ trung như mới gần 40. Bà trông bề ngoài có vẻ rất lạnh lùng, kiêu sa và khó gần nên dù nghe chồng bảo bà rất tốt bụng và tâm lý, nhưng với tâm lý mẹ chồng-nàng dâu chuẩn bị sẵn từ Việt Nam nên tôi vẫn giữ trong lòng một chút sợ hãi, rụt rè, nấp vào người anh, khe khẽ:
- Con chào ba mẹ…
- Trời! Sao đem nhiều đồ vậy con, thiếu gì thì sang bên này bảo thằng Tseng mua cho. Người gầy như này… tay bé xíu như này làm sao mang vác được bao nhiêu đồ như vậy! Tseng không biết thương vợ gì cả, sao không bảo vợ đem ít đồ thôi cho đỡ nặng?
- Ơ… ơ…ơ… Cô ấy đòi mang đấy chứ, còn cũng bảo không cần mang, sang bên này thiếu gì thì mua nhưng cô ấy không chịu! Mà ba mẹ không cần lo, cô ấy khỏe lắm, vác được bao gạo 10kg đấy ạ!
- Này thì khỏe! Nói vợ thế hả, có lớn mà không có khôn…
Anh vừa nói dứt lời, thì bị ba cốc mấy cái vào đầu, làm tôi bật cười, thế là bao nhiêu lo lắng lúc trước cũng đi theo câu nói “thực lòng” của anh trôi tuột đi đâu mất.
- Có mệt không con. Con đưa vali đây ba đẩy giùm, con với mẹ đi trước đi!
- Con… con… không sao đâu ạ, con tự đẩy được, ba mẹ đi trước đi ạ!
- Ba con nói đúng, để hai người đàn ông khỏe nhất nhà làm việc nặng nhất nhà, mẹ con mình là phái yếu thì cứ thong thả đi trước thôi. Dứt lời, bà nắm tay tôi bước đi, để lại bố chồng cùng anh với đống hành lý cồng kềnh. Tôi ngỡ ngàng, bước cùng mẹ chồng…
Những ngày đầu làm dâu, lại còn làm dâu nơi xứ người, tôi thuộc lòng lời dạy của mẹ trước lúc ra đi “lấy chồng là con người ta, đúng sai cũng một điều dạ, hai điều vâng, bố chồng số một, mẹ chồng số hai, thứ ba là đến chồng”, nhưng nào ngờ ba chồng hóm hỉnh dạy chồng tôi “nhất vợ nhì giời, em là số một, anh là số không, hai ta thành số mười tròn, cả nhà đầm ấm, gia đình yên vui”. Mọi chuyện to nhỏ trong nhà đều do mẹ chồng tôi quyết, ba chồng chỉ góp ý và thi hành. Thế nên khi tôi vừa về làm dâu không lâu, ông bảo chồng tôi đưa tôi đi học lớp bổ túc tiếng Hán và văn hóa, phong tục tập quán của người Đài Loan để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở Đài Bắc. Ông còn đi hỏi han khắp nơi rồi đưa tôi đến đến hội đồng hương Việt Nam và hội những cô dâu nước ngoài ở Đài Bắc để tôi tự tin mạnh dạn bước ra ngoài xã hội. Ông quán triệt tinh thần cho chồng tôi “phụ nữ không chỉ có trọng trách làm vợ, làm mẹ mà còn phải cống hiến cho xã hội, nếu vợ con chỉ ở nhà nội trợ hay giúp con buôn bán thì sẽ không thể biết được xã hội nó đang sống tròn méo thế nào, thì sau này vợ con làm sao có thể dạy dỗ được con cái đây? Nó đã vì con rời quê hương thì con cũng phải cho vợ con không gian để nó phát triển.” Được sự ủng hộ của bố chồng, sự đồng ý của mẹ chồng, tôi năng nổ tham gia các lớp học và các hoạt động dành cho Tân di dân và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới ở thành phố Đài Bắc phồn hoa.
3.
Tôi trở về nhà với tấm thân mệt mỏi rã rời sau một ngày quay như chong chóng để xử lý các khâu cuối cùng trước khi xưởng bắt đầu in số báo tháng này. Cả nhà tối thui, văng tanh chả có bóng người. “Kỳ lạ! Cả nhà đi đâu hết cả rồi? Sao chả có ai ở nhà thế này?”
Reng reng reng reng…. Tiếng chuông điện thoại cắt ngang dòng suy tư của tôi. Một số máy lạ gọi đến…
- Alo… Alo…
- Mẹ à… Bí đây!
- Bí à, con ở đâu đấy, ba và ông đâu?
- Mẹ ơi, ba đưa con đi chơi nhưng con bị lạc rồi, mẹ đến đón con đi, con không tìm được ba…
- Sao con ở đâu? Trời ơi…. Vừa nghe thằng bé nói xong, lòng tôi nóng như lửa đốt, vừa lo lắng vừa tức giận “ Chồng ơi là chồng, đưa con đi chơi mà cũng để lạc được?”
- Mẹ đợi con hỏi chú cho con mượn điện thoại… Cửa hàng xxx số 20 ngõ 15 đường yyyy, mẹ ạ!
- Ừ, con vào cửa hàng ngồi, 10’ nữa mẹ đến ngay, nhớ không được đi đâu đấy!
- Dạ vâng, mẹ đến ngay nhá!
Chạy vội ra cửa, phóng như bay đến địa chỉ thằng bé nói. Oh, một nhà hàng Việt Nam! Đẩy cửa bước vào, đảo mắt khắp nơi mà không thấy thằng bé đâu, lòng tôi càng rối bời, bất an. Tội chạy ngay đến quầy tiếp tân để hỏi tung tích thằng bé thì cô nhân viên cười cười nhìn tôi, bảo thằng bé ở phòng trong. Tôi cảm nhận có điều gì đó kì lạ, nhưng lý trí không cho phép tôi suy nghĩ nhiều, chỉ biết chạy ngay vào trong để tìm con. Cửa mở, tôi ngỡ ngàng đến sững sờ, bố chồng, chồng mặc comple, thắt cà vạt như đi hỏi vợ, còn Bí thì mặc bộ áo dài Việt Nam, đầu còn đội khăn xếp đang toét miệng cười.
- Mẹ bị lừa rồi….. Ha ha ha ha.
Vừa tức vừa buồn cười mà cũng vừa ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì.
- Hôm nay kỉ niệm 10 năm ngày cưới của vợ chồng mình, em không nhớ à?
- Chúc mừng vợ chồng con trăm năm hạnh phúc! Giọng trầm trầm của ba chồng.
- Ba bảo con tặng mẹ… Bí cầm bó hoa hồng đỏ và hộp quà chạy lại chỗ tôi, thằng bé 5 tuổi, loắt cha loắt choắt, còi dí còi dị, ôm bó hoa và hộp quà như con chuột tha con mèo làm tôi không nhịn được cười!
- Mẹ xin, mẹ cảm ơn Bí, con cảm ơn ba… Con bất ngờ quá! Còn anh thì đợi đấy, tối về em sẽ xử lý sau. Tôi thì thầm vào tai chồng.
Một bữa tối ấm cúng, tràn ngập tiếng cười!
- Nhanh thật, mới hôm nào em còn bẽn lẽn theo anh sang Đài Loan mà hôm nay đã kỉ niệm 10 năm ngày cưới rồi!
- Thế em có hối hận khi lấy anh không?
- Có! Hối hận lắm, dạy mãi mà anh không nấu được phở bò Việt Nam… Làm em toàn phải ăn mì bò thôi…
- Thì ba anh học giùm anh rồi còn gì? Ha ha ha ha…
- Vâng, ba cái gì cũng giỏi, đâu như anh!
- Kế hoạch hôm nay anh nghĩ ra hết đấy nhá! Ba chỉ nhắc anh hôm nay ngày cưới hai vợ chồng mình thôi.
- Thế hóa ra anh không nhớ mà ba nhắc chứ gì? Ba không nhắc thì anh cũng quên chứ gì?
Tôi trả vờ giận dỗi, quay lưng về phía chồng, hy vọng anh dịu dàng, dỗ tôi như thưở mới yêu nhau, nào ngờ…
- Thì em cũng quên nên mới bị anh lừa còn gì, sao lại trách mình anh, thôi anh đi ngủ trước đây!
Chưa đầy 10’ sau, tiếng “kéo bễ” vang khắp phòng, nhìn anh ngủ mà tôi vừa giận vừa thương. Người đâu mà thật thà quá thể, chả biết nịnh vợ, cũng chả biết nói lời ngon ngọt để vợ vui, nhưng có đi khắp thế gian tôi cũng chả tìm được người chồng tốt hơn anh. Công việc làm báo bận rộn, mỗi ngày tôi đều phải tăng ca đến 7-8h tối mới về, đã thế lại có tính tham công tiếc việc nên thứ bảy chủ nhật cũng tranh thủ đến đài phát thanh làm việc. Vậy là mọi việc nhà do một tay anh và bố chồng lo liệu. Tối anh bán hàng ở chợ đêm, ngày chuẩn bị hàng họ, lau dọn nhà cửa, bố chồng thì thay tôi chăm cháu, nấu ăn. Nói ra thì thật là xấu hổ, vì từ ngày sang đây tôi chả mấy khi làm tròn bổn phận làm vợ, làm dâu, nên nếu không có chồng và bố mẹ chồng thì cuộc sống của tôi không vẹn toàn được như ngày hôm nay.
10 năm so với 1 đời người thì đây không phải là một quãng thời gian dài, nhưng với tôi 10 năm đó là bao thăng trầm, là bao sự kiện ghi dấu những bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời tôi. Theo chồng, tôi rời xa quê hương, từ bỏ giấc mơ hướng dẫn viên du lịch để bắt đầu một cuộc sống mới, một nghề nghiệp mới- biên tập báo và phát thanh viên. Một công việc tôi đã từng nghĩ, đơn điệu và nhàm chán, suốt ngày chỉ quẩn quanh ở văn phòng với hàng tá giấy tờ, không được tự do bay nhảy để khám phá thế giới rộng lớn xung quanh. Thế nhưng nhờ công việc này tôi mới hiểu được sâu sắc hai chữ cảm thông, hiểu được cái sự may mắn và hạnh phúc mà tôi đang nắm giữ. Bao nhiêu chị em phụ nữ được gả sang đảo ngọc nhưng có mấy người được may mắn như tôi, có mấy người có được gia đình hạnh phúc như tôi. Chính vì vậy trong 10 năm qua tôi luôn nỗ lực để giúp các chị em có thể tự mình tạo dựng hạnh phúc cho bản thân. Thượng đế không cho ta hạnh phúc thì ta phải tự tạo dựng nó bằng chính đôi tay mình. “Đừng chờ đợi mà hãy tạo ra hạnh phúc!” Tôi đã giúp đỡ được rất nhiều chị em xóa bỏ sự tự ti vốn len lỏi trong suy nghĩ, bước ra khỏi cánh cổng đóng kín của gia đình nhà chồng để hòa nhập xã hội và tìm được niềm vui trong cuộc sống xa xứ…
Một ánh sáng le lói ngoài phòng khách hắt vào trong phòng vợ chồng tôi. Chắc bố chồng tôi không ngủ được lại lôi album ảnh hai ông bà và gia đình ra xem. Từ ngày mẹ chồng tôi mất, hầu như đêm nào ông cũng vậy, ngồi ngẩn ngơ ngắm lại những bức ảnh kỉ niệm của hai ông bà và cứ nhìn xa xăm để hồi tưởng lại một thời quá khứ của hai người. Chồng tôi có thể yêu vợ thương con như vậy cũng nhờ có một người cha như ông. Và tôi là một đưa con gái may mắn khi có được một người ba chồng như ông. Ông yêu thương tôi như con gái ruột, luôn động viên và khuyến khích tôi tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Có mấy cô con dâu được như tôi chứ, đi làm về chẳng phải sấp ngửa đi đón con, mà bố chồng còn nấu sẵn cơm nóng canh ngọt chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Công việc phát thanh viên cần phải giữ giọng nên ngày nào ông cũng đun quả la hán để lấy nước cho tôi uống mà giữ giọng, thậm chí ông còn học làm nem, nấu phở và mấy món ăn Việt Nam để thỉnh thoảng nấu cho tôi ăn để đỡ nhớ “hương vị quê nhà”.
- Đêm khuya rồi, ba khoắc thêm áo khoác và ngủ sớm đi ạ!
- Ừ, ba nói chuyện với mẹ con chút nữa rồi cũng đi ngủ, con ngủ sớm đi mai còn dậy đi làm, đừng thức khuya kẻo ốm.
- Dạ vâng ạ, thế con đi ngủ trước đây ạ!
- À, ba đã chuẩn bị sẵn thức ăn để trưa mai con ăn trong tủ lạnh đấy, sáng dậy nhớ cầm đi.
- Dạ vâng, con cảm ơn ba!
Bước vào phòng, mắt tôi lại rơm rớm, nhưng trong lòng thì ấm áp như thưở còn trọ học ở Hà Nội, được ba lên tiếp tế và nấu ăn cho. Tôi thật may mắn, tôi có hai người ba!