"Người Việt Nam hay nói câu : "" Trời sanh voi , sanh cỏ "" . Ý nói ông trời tốt bụng lắm , mọi vật trên đời cứ sinh sản và tồn tại , phát triển bên nhau . Nhưng ai cũng hiểu , thực tế là các bà mẹ ngày xưa đâu biết kế hoạch hoá sinh sản là gì , trời cho bao nhiêu con thì sanh bấy nhiêu . Chẳng ai bận tâm đến việc tụi con nít sanh ra không phải là những con voi và nó không biết ăn cỏ .
Xóm tôi ở , nhà nào cũng đông vui mười mấy đứa con . Rồi chiến tranh đi ngang qua , con đường nhà tôi là 1 bãi đất đổ nảt , không sót lại vật dụng nào còn xài được .
Tôi nhớ mãi những ngày đầu đến trường , những đứa nhà không bị cháy ăn mặc đồ đạc đủ màu đẹp lắm , còn tôi ôm cái cặp và cái áo mưa tự tay ba tôi may lấy bằng cái vải gì vừa cứng vừa màu ngà ngà cũ cũ . Nhưng tôi chẳng thấy buồn còn hãnh diện , vì thấy mình oai phong giống mấy chú lính với chiếc áo mưa không có tay , vuông vức trên vai . Từ ngày đó tôi hiểu thế nào là trẻ nhà nghèo . Nên trong đời học sinh , tôi thích kết bạn với những đứa có hoàn cảnh khó khăn hơn mình . Tôi mang theo tình yêu thương của ba tôi đến trường .
Năm 10 tuổi , gia đình vẫn còn khó khăn , đầu óc tôi chỉ nghĩ đến cố gắng học cho ba mẹ vui lòng và đến trường nhảy nhót cho đã cái tay chân . Tôi sẽ không nhớ đến bộ quần áo tôi mặc ra sao . Nếu không có 1 lần trong lúc ra chơi , tôi đang nhảy dây cùng lũ bạn , mấy bà cô giáo len lén chỉ cho ông thầy tui nhìn tui rồi cười ...À , tui biết rồi , cái quần sa teng lụa đen bóng lưỡng cũ của mẹ , cắt cái đáy rách thành cái quần mới cho tôi ,nhưng cái ống vẫn rộng thùng thình và bị ngắn cũng cỡn . Đối với 1 đứa bé gầy nhom ốm nhách như tôi , nó to như 1 cái váy đầm . Lúc đó tôi chỉ nghĩ tôi như 1 cô vũ nữ đang múa , tôi nhảy cao hơn , cái quần tôi xoè ra rộng hơn . Tôi mang theo hơi ấm của mẹ tôi đến trường .
Tuổi học trò của tôi đầy ắp nụ cười . Đến nỗi năm học lớp 11 , tôi chẳng biết ngày đó chúng tôi đã làm gì , ông thầy chủ nhiệm vào lớp không dạy học mà la mắng cả lớp 1 trận để đời , nào là : "" Cười như xe lửa hú , Cười như tiếng xé lụa ,Môi mỏng mà còn cười . ...."" . Đến đoạn này , trong lúc ông thầy dang say sưa ví von chúng tôi với những điều không đẹp lắm , nhỏ bạn tôi nói nhỏ : "" Môi mỏng đánh son đẹp "" . Đứa nào cũng khoái chí cười thầm . Nó còn nghĩ ra ông thầy tôi cười mặt trông ngồ ngộ . A , giống con thỏ .
Đến bây giờ đôi lúc nói con thỏ , tôi lại nhớ đến thầy tôi .
Tôi không giận thầy chỉ thấy thương thầy quá , đã vất vả dạy dỗ chúng tôi .
Rồi bước ngoặt cuộc đời đến , tôi mơ làm nghề Y sau 12 năm miệt mài đèn sách , vì hay nghe chị hai nói : "" Lúc mấy em còn nhỏ , chẳng bao lâu ,ở nhà lại gom 1 rổ vỏ chai thuốc , bán ve chai ."" Vậy mà tôi chẳng biết nỗi nhọc nhằn của ba mẹ tôi khi chúng tôi bịnh .
Tôi chỉ thi Trung Cấp Y Tế cho chẳc ăn .Tôi học thuộc lòng chương trình ôn thi .Đề thi trở nên dễ ẹt . Cầm lá thư báo kết quả đậu , điều đầu tiên là tôi muốn thấy là ba tôi cười . Nhưng chẳng bao lâu , sau kỳ khám sức khỏe để vào trường , lá thư báo kết quả đó trở thành vô dụng . Tôi đạp xe lên trường xem danh sách , chẳng có tên tôi . Con đường từ trường về nhà là con đường tôi học thi đại học , tuần 4 buổi , quen thuộc từng góc phố , từng ngã tư . Tôi đạp xe chầm chậm nhưng đúng 4 lần đụng xe , té ngã , lồm cồm đứng dậy , tôi mới về đến nhà .
Ba mẹ ơi , con voi ốm yếu của ba mẹ làm thất vọng công ơn nuôi dạy của ba mẹ rồi .
Ba tôi an ủi : "" Ở nhà phụ bán hàng ,nhà thiếu người , nghề gì cũng là kiếm tiền thôi .""
Tôi bỏ dở ước mơ của mình để 5 đứa em nhỏ của mình có thời gian học nhiều hơn .
Ba tôi mừng thượng thọ được vài năm thì cảm thấy người khó chịu , sức khỏe sa sút . Tôi ở bên giường ba suốt ngày đêm . Chân ba tôi nhức mỏi , tôi xoa bóp miết . Hàng xóm ,họ hàng đến thăm , ba tôi khoe chân không đau nhức vì có tôi chăm sóc . Nhưng rồi ông cũng không qua khỏi . Ngày ba mất tôi , tôi hiểu ra ,hãy đối xử với mọi người thật tốt vì khi ai đó mất đi rồi , cho cái gì họ cũng chẳng nhận được .
Tôi quen chồng tôi khi anh cùng bạn bè đến Việt Nam làm ăn , anh hay lại nhà tôi mua đồ . Làm ăn thất bại , mẹ anh nằng nặc gọi anh về . Anh nói tôi bằng vốn tiếng Anh ít ỏi :"" Về Đàiloan , anh muốn mang theo 1 thứ ."" . Tôi nhanh nhẹn : "" Món gì , em mua giúp cho ."" Anh chỉ vào tôi . Rồi 2 đứa cùng cười . Biết anh gần 2 năm ,nên tôi cũng yên tâm nhận lời mặc dù biết rằng anh không còn bao nhiêu tiền .
Trong khi chờ đợi giấy tờ hoàn tất , tôi xin phép mẹ tôi đi học những nghề tôi yêu thích . Tôi đón xe bus , xe đa-su giữa cái nắng gay gắt và xe cộ đông đúc của Sàigon ,đi đến những trường có tiếng trong thành phố tìm lớp để học . Tôi đến cả chùa Kỳ Quang , nơi nuôi dạy các em mồ côi khiếm thị để tham quan . Ở đây bốc thuốc bấm huyệt miễn phí , người bịnh đông lắm , từ rất xa đến phải chờ đợi rất lâu . Lúc đó tôi chỉ nghĩ , biết để giúp người trong gia đình thôi .
Mẹ tôi chợt bịnh nặng , trong bịnh viện , tôi xoa bóp cho mẹ , kéo gân tay chân . Anh tôi nói mỉa mai :"" Làm như là bác sĩ , kéo tay chân mẹ như vậy "" . Tôi nghĩ , lúc khỏe mạnh , lúc nào mẹ cũng tìm việc lặt vặt làm , không ngồi yên , chắc chắn nằm 1 chỗ mẹ khó chịu lắm . Tôi chuẩn bị đi Đài loan , còn anh em ai cũng có công àn việc làm , nên tôi thức suốt cả đêm bên mẹ . Mẹ tôi cũng không qua khỏi , nhưng tôi biết mẹ đã yên tâm về tôi ,khi bà đã tiếp xúc với ba mẹ chồng tôi vào ngày đám cưới của tôi .
Qua Đài loan , tôi phụ bà cô chồng làm uốn tóc . Người Đài khác người Việt ở chỗ đi gội đầu , họ thích đấm bóp vai đầu chứ không như Việt Nam là mát xa mặt . Có những người khách thấy tôi mát xa cho họ xong về khỏe ra , dần dần nhờ tôi làm sang cả tay chân rồi cả người . Họ cứ giới thiệu nhau . Tiệm cô tôi khách đông hơn .
Nhưng thật sự , tôi chẳng muốn làm quá sức mình . Tôi còn con nhỏ , còn mẹ chồng , còn công việc nhà nữa . Mẹ chồng tôi hay kể với tôi thời trẻ của bà vất vả thế nào ,vừa mang chồng tôi trên lưng vừa ra chợ bán . Bà đưa tôi xem hình hồi bà còn xinh đẹp , mà tôi thấy cũng đẹp như tài tử vậy . Tôi thường đấm bóp cho bà ,bà vui lắm .Bà lớn tuổi rồi da nhăn nheo , nhưng tôi thấy trong bà , trái tim người mẹ bao giờ cũng vậy ,thương yêu lo lắng cho con cháu bằng hết sức lực của mình .
Ở đây có nhiều lớp học miễn phí , Thầy giáo ở Đài Bắc về đây dạy chúng tôi lớp mát xa : ấn huyệt , kinh mạch , gân cốt trên toàn cơ thể . Càng học tôI càng thấy mình còn phải tìm hiểu nhiều hơn . Tôi học hết lớp này rồi học sang lớp khác ,vì thuận tiện , chỉ chạy xe 5 phút là đến lớp . Tôi ước gì tiếng Đài loan tôi khá hơn để tôi có thể đi thi lấy bằng cấp . """" Dù xây chín bậc phù đài . Không bằng làm Phước , cứu cho 1 người ."" Ông bà tôi nói như vậy đó .
Mấy tuần trưỡc , tin tức Trung quốc xâm phạm vùng hải phận Việt Nam làm tim tôi đau nhói . Tôi không thích chiến tranh , bên này tôi vẫn đi chùa cầu nguyện cho đất nước mình bình an , chúng tôi còn được công nhận là 1 đòan con của Mẹ bên này , rồi tin ở Việt Nam có kẻ xấu phá hoại nhà máy người Đài loan . Đài loan coi chúng tôi như con trong 1 nhà . Con tôi vẫn dùng tiếng Việt nói chuyện với cô bác ở Việt Nam . Hãy đoàn kết với người Đài loan vì họ cũng luôn bị Trung quốc đe dọa .Cầu nguyện bình an đến Việt Nam và Đài loan ."