HÀNH TRÌNH ĐI TÌM ƯỚC MƠ CỦA TÔI

2014-04-27 / Lu Nguyet Huong  / Đài Loan-quê hương thứ hai của tôi / Tiếng Việt / Không



HÀNH TRÌNH ĐI TÌM ƯỚC MƠ CỦA TÔI

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mới đó mà đã 14 năm, cái quá khứ tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng, mà sao hãy còn quá sâu đậm trong tôi, mọi chuyện cứ như mới diễn ra ngày hôm qua...
Nhớ lại lần đầu tiên tôi đặt chân đến mảnh đất Đài Loan này, từ bỏ bạn bè, người thân và tuổi thơ với bao kỷ niệm. Ước mơ của tôi là cải thiện tình hình kinh tế gia đình hiện tại, xây lại căn nhà dột nát mà cứ mỗi khi đến mùa mưa là chúng tôi phải đặt các chậu thau khắp nơi trong nhà để hứng lấy nước mưa dột từ các khe hở của mái nhà.
Tuổi thơ của tôi...
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài gòn (thành phố Hồ Chí Minh), một thành phố lớn nhẩt nhì của nước Việt Nam đang trong đà phát triển. Thế nhưng tuổi thơ của chị em tôi không được sung túc như các trẻ cùng lứa. Trong ký ức tôi, tình hình kinh tế gia đình cứ xuống dốc dần kể từ khi cơ sở in của nhà tôi đóng cửa vì cạnh tranh không lại với các xí nghiệp in lớn, đang ngày một mọc dần lên trong thành phố, năm đó tôi chỉ được khoảng tầm 4_5 tuổi, cái tuổi còn quá ngây thơ, chưa biết được chữ "nghèo" là gì ?
Tôi lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất. Cũng chính vì thế mà suy nghĩ của tôi chững chạc hơn các bạn cùng lứa. Tôi sớm thấu hiểu được sự vất vả của ba và nổi khổ tâm của mẹ vì miếng cơm manh áo của chị em tôi mà phải bươn chải hằng ngày.
Mặc dù không đi học thêm hay học phụ đạo như các bạn, nhưng thành tích của tôi vốn không tệ. Còn nhớ năm học lớp 8, tôi đã đảm nhận công việc dạy kèm cho các em nhỏ hàng xóm học lớp 1_2 tại nhà, vì sống ở khu người Hoa, nên các em gặp trở ngại không ít khi bắt đầu theo học trường tiếng Việt, đặc biệt là vì lí do ngôn ngữ bất đồng.
Trong thâm tâm, tôi biết cơ hội học tiếp đại học của tôi không nhiều vì khả năng có hạn. Kể từ khi chuẩn bị lên cấp ba, tôi ý thức được sức mạnh của đồng tiền khi cái "mặc cảm" trong tôi ngày một lớn dần. Mặc cảm vì chữ "nghèo", nó đã gây trở ngại cho tôi trong nhiều lĩnh vực, nhiều ý định và và kế hoạch của tôi bị bỏ dở vì không có cơ hội tiến hành. Tôi vô cùng thấu hiểu cái khoảng cách giữa "ước mơ" và "hiện thực" , nó luôn tồn tại, bất kể không gian và thời gian.
Năm đó tôi tốt nghiệp cấp ba, đứng trước ngưỡng cửa đại học, nguyện vọng được trở thành giáo viên từ nhỏ trong tôi lại hiện lên, tôi đắn đo và suy nghĩ rất nhiều, tôi chần chừ giữa khát vọng và hiện thực. Đứng trước ngã rẽ cuộc đời, đã đến lúc tôi phải đối mặt và lựa chọn ...
Mọi chuyện vẫn diễn ra nằm trong dự tính, năm đó tôi không thi đậu vào đại học như các bạn cùng lớp.
Tôi bước vào đời...
Tôi bước vào xã hội năm vừa tròn 18 tuổi. Tôi tích cực tìm việc. Với ưu điểm là người Hoa kiều sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ngoài ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Hoa là ngôn ngữ thứ hai mà cũng là lợi thế cho tôi trong quá trình tìm việc. Và rất nhanh, tôi đã tìm được cho mình một công việc làm nhân viên văn phòng cho một công ty nhỏ do người Hồng Kông đầu tư. Mọi chuyện cứ đâu vào đó, ngày tôi đi làm, tối đi học thêm vi tính và ngoại ngữ. Tôi không ngừng nâng cao trình độ của bản thân để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhưng sự đời khó lường, công việc của tôi chỉ duy trì được một năm thì công ty đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Tôi lại tìm cho mình một công việc khác, nhưng tôi vẫn không cảm thấy thỏa mãn với đồng lương ít ỏi mà mình kiếm được, vì nó hầu như không giúp được nhiều vào kế hoạch cải thiện tình hình kinh tế gia đình.
Một tia sáng lóe lên trong đời tôi ...
Sau một khoảng thời gian chần chừ, tôi tìm đến công ty môi giới xuất khẩu lao động thông qua sự giới thiệu của một bạn đồng nghiệp. Lần đó tôi trúng tuyển, công ty bảo tôi về chuẫn bị hồ sơ và chi phí.
Nhưng tôi lại một gặp trở ngại trước mắt là số tiền phải đóng quá nhiều không biết tìm đâu ra. Kế đó là sự phản đối của ba mẹ, nhất là ba tôi, người cha bất kể cực nhọc làm việc vất vả hằng ngày kiếm tiền nuôi gia đình, và sẵn sàng đi vay mượn với lãi suất cao khi không đủ tiền đóng học phí cho nhà trường, mục đích là không cho tôi nghỉ học. Chính vì thế mà tôi hoàn tất được trình độ cấp ba mặc dù không dễ dàng, nó tạo lợi thế cho tôi rất nhiều trong công việc và cuộc sống sau này.Tôi thấu hiểu nỗi lo của ba mẹ, lo lắng cho tôi là phận con gái còn non nớt, khờ dại, chưa va chạm nhiều với đời , nay vì gánh nặng gia đình, phải một mình lặn lội đến nơi đất khách "tha hương cầu thực", lo lắng cho tôi vì ngôn ngữ bất đồng, sợ bị kẻ xấu lừa gạt, không thích nghi được với công việc và cuộc sống nơi xứ người, ốm đau bệnh tật không người chăm sóc ...Có lẽ vì lí do di truyền được cái tính cố chấp, tính cứng đầu từ dòng họ, không cam lòng với số phận được an bài, tôi kiên trì với quyết định của mình.
Không khí nhà tôi trở nên nặng nề trong khoảng thời gian hơn một tháng với cuộc "chiến tranh lạnh"giữa tôi với gia đình tôi. Mẹ không chịu được tính cứng đầu của tôi, cuối cùng đành gật đầu cho đi. Còn đối với ba tôi, tôi chọn cách viết thư vì ba không muốn đối mặt để bàn bạc với tôi về vấn đề này, tôi viết một lá thư thật dài, viết hết nỗi lòng, những suy nghĩ, dự tính và kế hoạch của tôi... với hy vọng thuyết phục ba tôi đồng ý cho tôi đi. Chần chừ được vài ngày, tôi biết cuối cùng ba tôi đã đọc thư... mặc dù vẫn không có biểu hiện rõ rệt gì với tôi, nhưng tôi hiểu được rằng ba đã không còn phản đối quyết liệt như trước đây .
Hành trình ra đi của tôi...
Ngày ấy tôi ra đi, bắt đầu hành đi tìm ước mơ, bỏ mặc sự lo lắng của gia đình. Hành trang của tôi mang theo là một valy chứa đầy các vật dùng sinh hoạt hằng ngày và gánh trên người "món nợ" mà tự tôi chạy vay từ bạn bè, người thân để nộp cho công ty môi giới, 2000 USD-số tiền khá lớn đối với tôi, đứa con gái mới vừa tròn19 lúc bấy giờ.
Với ván cờ trên tay chưa biết thắng thua, tôi ra đi với nhiều hoang man và lo âu, vì không biết tình hình công việc và cuộc sống bên xứ người liệu tôi có thích nghi được hay không? và rất nhiều rất nhiều... Mà với ván cờ này tôi chỉ có một cái vốn duy nhất là "ý chí" và "nghị lực".
do đây là đoàn Việt Nam đầu tiên đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, nên các thông tin về điều luật, công việc và cuộc sống đối với lao động đi hợp tác chúng tôi hầu như mù tịt, điều này càng khiến tôi cảm thấy bất an trong lòng. Nhưng bất kể bao nỗi lo sợ cũng không đánh bại được cái quyết tâm trong tôi, quyết tâm thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại trong tôi, nó chiến thắng tất cả.
Tôi đặt chân xuống đất đài Loan vào lúc nữa đêm của một ngày cuối tháng 11, nhầm vào mùa đông của nơi này. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác lạnh buốt mà lần đầu tiên trong đời tôi gặp tôi gặp phải khi vừa bước ra khỏi sân bay Đài Bắc. Tôi nhớ mãi hình ảnh người đàn ông của công ty môi giới đến đón chúng tôi tại sân bay, ông đưa ngay cho chúng tôi mỗi người một chiếc áo lạnh dày cộm và một lon càfê nóng hổi khi nhìn thấy chúng tôi đang run bần bật vì cái lạnh như cắt da của màn đêm mùa đông nơi đây, lúc chúng tôi đứng chờ xe đến đón bên đường tại cổng sân bay. Hình ảnh này khiến tôi cảm thấy ấm áp cả người không rõ là vì được áo lạnh với càfê nóng, hay là vì cảm nhận được cái tình người nơi đây...mặc dù chỉ là người dưng mà người ta cư xử bằng tấm lòng rất thật, dường như thấu hiểu được cảnh ngộ của chúng tôi mà chuẫn bị từ trước, cảm giác thật ấm lòng.
Qua hàng loạt các thủ tục ký kết hồ sơ, đoàn chúng tôi được đưa đến công xưởng, được giới thiệu và hướng dẫn cụ thể cho công việc của từng người.
Chúng tôi làm việc trong khu gia công kính của máy chụp hình, riêng bộ phận công việc của tôi là đun nóng và gia công kính trên khuôn sắt nặng khoảng 5-6 kg được lắp đầy các mảnh kính nhỏ cần gia công. Tôi phải đeo hai bộ găng tay loại dày mà thỉnh thoảng còn phải thay găng tay mới vì chúng bị cháy khét hoặc ướt đẫm, vậy mà vẫn còn cảm thấy nóng khi cứ phải lập đi lập lại các thao tác gia công, nhấc xuống bằng tay từng cái khuôn từ ổ đun của máy sau mỗi lần đun nóng, cái nước bọt màu trắng sôi sùng sục bắn ra từ các ổ lắp kính trên khuôn, thấm vào găng tay đến tận da thịt thường làm tôi cảm thấy đau buốt. Và thời gian làm việc của chúng tôi không cố định, tôi phải làm việc theo 3 ca: ca ngày, tối và ca đêm ,  cứ thay đổi ca hàng tuần. Sự vất vả trong công việc của tôi là một, điều khó thích nghi hơn nữa là cái lạnh buốt của mùa đông nơi này mà gần 20 năm sống ở Sài Gòn tôi chưa gặp bao giờ.
Tôi nằm cuộn mình trong cái chăn bông thật dày tại ký túc xá, tấm chăn mà tưởng chừng như tấm nệm giường nơi quê nhà, cảm giác thật ấm áp và dễ chịu. Trằn trọc mãi không thành giấc, nhưng tôi vẫn nằm đó không muốn rời khỏi chăn giường vì cái lạnh trong phòng. Ngoài trời nắng dịu, ông mặt trời sau nhiều ngày biệt tăm nay cũng lộ diện, cái nắng của mùa đông khiến người ta cảm giác thật dễ chịu. Nhưng cái gió đông bướng bỉnh kia vẫn không ngừng thổi, nằm trong phòng mà vẫn nghe rõ tiếng gió rít lên từng cơn xuyên qua các khe cửa sổ thổi vào phòng càng làm tôi cảm thấy lạnh lẽo và cô đơn, càng thấu hiểu cái ý nghĩa "nỗi lòng xa xứ" của người xa quê mà giấy trắng mực đen không sao bày tỏ hết. Đi làm ca đêm về mệt đừ cả người vì công việc và vì thiếu ngủ, hai chân nhức mỏi vì đứng làm suốt ca cộng thêm 2 tiếng đồng hồ tăng ca, tưởng chừng như đặt lưng xuống giường là ngủ thiếp đi ngay được, vậy mà đã gần cả tháng tôi cứ không sao chợp mắt được ,  đồng hồ sinh lý trong tôi vẫn chưa thể thích nghi được với cái ngủ ngày khi làm ca đêm, và nỗi nhớ nhà da diết cũng là một lí do làm tôi khó ngủ.
Nhớ lại lúc mới đến đây, đoàn chúng tôi gồm 10 người, số lượng này nhanh chóng giảm đi một nữa chỉ còn lại 5 trong vòng chưa đầy 1 tháng. Chỉ một tháng thôi mà sao nó dài đăng đẳng cứ như là đã qua rất lâu, ký túc xá thay vì được công ty cho 2 phòng nay chỉ còn có một, mọi người quay về đa số là vì lí do không thể thích ứng với công việc. Cứ mỗi khi có người phải về nước, trong lòng tôi lại bồn chồn và lo lắng, lo sợ liệu người về kế tiếp có phải là mình chăng?
Dần dần mọi chuyện cũng đâu vào đó, tôi thích ứng dần với mọi thứ nơi đây và hoàn tất hợp đồng về nước. Sau hai năm làm việc vất vả và chắt chiu dành dụm, tôi có được một số vốn nho nhỏ. Tình hình kinh tế nhà tôi tuy đã cải thiện nhiều, nhưng với số tiền còn lại trong tay, để hoàn thành ước mơ xây nhà thì vẫn còn thiếu nhiều.
Tôi quyết định bước sang Đài Loan lần hai, chuyến đi này gánh nặng trên vai tôi nhẹ hơn nhiều so với đợt đi trước, lần này tôi được tuyển làm phiên dịch cho một công ty môi giới bên Đài Loan, điều kiện lương bỗng và môi trường sống của tôi tương đối khá hơn so với đợt trước. Vì yếu tố công việc, ngôn ngữ của tôi trở nên lưu loát nhiều trong thời gian ngắn không những tiếng Trung mà còn cả tiếng Đài. Công ty phân phối cho tôi đi phiên dịch khắp Đài Loan, tôi tự đón tàu xe đi phiên dịch khắp nơi từ Bắc vào Nam, thậm chí đến cả Cao Hùng, Hoa Liên và Nghi Lan ... bất kỳ nơi nào khi có nhu cầu.
Khi tôi vừa dành dụm đủ số tiền để xây nhà thì cũng là lúc tôi gặp anh, người con trai dù chỉ hơn tôi 3 tuổi nhưng cho tôi cảm giác chững chạc và bản lĩnh ngay từ mấy lần gặp ban đầu. Bên anh tôi cảm thấy mình trở nên thật hạnh phúc vì được yêu thương và che chở, tôi không còn là một thân một mình đương đầu với mọi chuyện nơi đây kể từ ngày anh xuất hiện. Vì chỗ ở của tôi được công ty sắp xếp cho ở tại tầng trên cùng của nhà chủ công ty, nên tôi cũng gặp phải không ít khó khăn và bất tiện trong quá trình sinh hoạt hằng ngày mà không thể bày tỏ, anh cứ luôn ở bên cạnh động viên, chia sẽ, và giúp tôi rất nhiều, nhờ thế mà tôi khắc phục được nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Anh lái xe đưa tôi đi chơi khắp nơi vào những ngày nghỉ cuối tuần ...Cứ thế chúng tôi quen nhau được khoảng hơn nữa năm thì anh gợi lời cưới hỏi. Đám cưới của hai tôi được cử hành đúng vào lúc nhà mới của gia đình tôi hoàn công.
Tôi lại rời khỏi quê nhà lần thứ ba. Lần đi này với danh nghĩa làm dâu, làm vợ, cảm giác thật khác thường, không hoang mang và mâu thuẫn như những lần trước mà có cái gì đó cảm giác chắc nịch...
Mảnh đất này tưởng chừng như xa xôi ngàn dặm đối với tôi ngày nào, giờ đây trở nên thân thiết và gần gũi lạ thường. Trong thâm tâm, tôi có thể khẳng định một điều rằng lần ra đi này không còn là hợp đồng hai hoặc ba năm nữa, mà đây là sự hứa hẹn của cả cuộc đời. Kể từ ngày hôm nay trở đi, tôi sẽ không còn là một thân một mình lặn lội xa phương chóng chọi với cuộc đời như thuở nào, giờ đây tôi đã có mái ấm gia đình, tôi sẽ gắn bó mật thiết với nơi này, ăn đời ở kiếp với chồng với con tại đây. Nghĩ đến điều này, cảm giác mãn nguyện và tràn ngập hạnh phúc bao trùm lên tôi. Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy đội ơn ông trời đã không bỏ quên tôi. Cảm ơn ba mẹ, cảm ơn quê hương Việt Nam, nơi tôi chào đời và lớn lên, học tập và vui chơi, cho tôi có trí thức và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và vượt qua số phận. Giờ đây, tôi cũng lên chức làm mẹ, tôi càng thấu hiểu nổi khổ tâm và sự lo lắng của ba mẹ ngày nào khi tôi ra đi.Và tôi cảm ơn hòn đảo Đài Loan đáng yêu-quê hương thứ hai của tôi , mảnh đất hầu như đâu đâu cũng tràn ngập tình người, tình nhân ái, cho tôi cơ hội học tập, trưởng thành, giúp tôi hoàn thành ước nguyện và có cơ hội gặp rồi quen anh, người đàn ông của cuộc đời tôi, và hơn ai hết tôi biết tôi sẽ không thể trở thành cái "tôi" của ngày hôm nay nếu như ngày đó tôi không đủ can đảm để quyết định đi bước cờ này.


〈台灣 - 我的第二個家鄉〉敘述一個從小在越南胡志明市長大的華裔女子,在越南台灣兩地的生活和工作。從越南透過人力仲介公司來到台灣,從移工轉為台灣仲介公司的翻譯,進而與在台灣的先生認識、結婚。對作者而言,台灣曾經是遙遠、陌生的他鄉,但現在言卻是如此鄰近、親切的第二個家鄉。文章結尾則是作者對兩篇養育她和造就她的土地道出感言,充滿正面的力量。

“Đài Loan-Quê Hương Thứ Hai Của Tôi” kể về câu chuyện của một cô gái gốc Hoa sinh trưởng ở Sài Gòn, làm việc ở Việt Nam và Đài Loan. Ở Việt Nam, cô sang Đài Loan làm việc qua công ty môi giới, từ di công cô chuyển sang làm phiên dịch cho công ty môi giới Đài Loan, rồi quen biết và kết hôn với người chồng Đài Loan. Đối với cô, Đài Loan từng là một mảnh đất xa xôi, lạ lẫm, nhưng giờ đây đã là quê hương thứ hai gần gũi và thân thiết. Phần kết bài viết, tác giả đã dùng lời văn với tình cảm trực diện, gửi lời cảm ơn tới hai mảnh đất, nơi đã nuôi dưỡng cô và nơi đã giúp cô đạt được thành tựu của ngày hôm nay.