Hạnh phúc đầy vơi

2015/5/29 / Bằng Lăng / Hạnh phúc đầy vơi  / Tiếng Việt / Không

Nhìn vào cơ ngơi khang trang của vợ chồng Ninh bây giờ, hẳn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục, nhưng ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, vợ chồng Ninh đã trải qua những ngày tháng gian khó như thế nào.
Ninh sinh ra trong một gia đình thuần nông, quê ở Vĩnh Long. Cả mấy đời cụ kị cho tới ông bà, rồi ba má của Ninh chỉ biết trông chờ vào hai vụ lúa, năm nào trời thương thì có ăn, mà năm nào mưa lụt thì đói ăn cả mấy tháng liền. Nhà Ninh có 3 anh em, Ninh có một người anh trai và một người em trai. Năm anh cả của Ninh lên 10, thì Ninh lên 4, còn em trai Ninh vừa mới lọt lòng mẹ. Vì gia cảnh quá khó khăn, mà nhà lại đông con, nên ba mẹ Ninh gạt nước mắt cho Ninh đi ở nhà cô ruột ở mãi Đồng Nai. Hồi ấy Ninh còn quá nhỏ, cô tất nhiên cần hơi ấm, tình thương của ba mẹ, nhưng gia cảnh bần hàn khiến gia đình phải li tán.
Cô và dượng của Ninh đều làm công chức nhà nước, họ không khá giả gì, nhưng cũng đủ nuôi  Ninh ngày ba bữa cơm. Mặc dù còn nhỏ như vậy, nhưng Ninh dần học cách làm những việc vặt trong nhà như quét nhà, nhặt rau. Vào đến tiểu học là Ninh đã có thể làm hết được việc nhà rồi, vì Ninh biết không thể ở không ở nhà cô được. Nhìn Ninh gầy gò, già dặn hơn hẳn với đám bạn cùng trang lứa. Vì việc đồng áng ở nhà nhiều, cứ phải vài ba tháng, thì ba má mới lên thăm Ninh được một lần, mà cũng chỉ chốc lát, là phải về rồi. Họ nhìn con, thương con, nhưng cũng đành ngậm ngùi, mỗi lần như thế, Ninh đều khóc, nằng nặc đòi theo má về nhà, nhưng má Ninh nịnh con: “Con ở đây với cô, khi nào ba má có tiền, ba má nhất định đón con về, chờ vài ngày nữa ha con”. Ninh nghe thấy vậy thì vui lắm, liền gật đầu, không đòi về nữa. Má của Ninh biết mình không nên nói dối con trẻ, nhưng bà cũng không còn cách nào khác.
Cô và dượng của Ninh tuy làm trong nhà nước, là những người có ăn có học, nhưng cách mà họ đối xử với Ninh thì không giống như những người thật sự có ăn có học. Họ giao cho Ninh làm đủ mọi thứ trong nhà, từ giặt giũ, cho tới đi chợ nấu cơm. Nếu làm họ vừa ý thì Ninh được yên thân, còn khiến họ không vừa ý, thì y như rằng hôm đó, cô sẽ bị mắng cho tơi tả, thậm chí là ăn đòn. Cô và dượng của Ninh nếu có chuyện gì không vui ở bên ngoài, thì về đến nhà, họ cũng trút cơn thịnh nộ lên đầu cô. Cho nên ở trong nhà cô ruột, nhưng đến thở mạnh Ninh cũng không dám.
Năm Ninh học lớp 8, thì cô của Ninh sinh bé gái đầu lòng. Ninh ban ngày đi học, đi học về ngoài việc quán xuyến nhà cửa, nay còn thêm việc trông em. Lúc nào người ta cũng thấy Ninh mặt mũi lem nhem, quần thì ống thấp ống cao. Mặc dù vậy, kết quả học tập của Ninh vẫn rất khá, năm nào cô cũng được nhà trường tặng giấy khen.
Thời gian Ninh học cấp 3, Ninh đã bắt đầu đi làm thêm, lấy thêm ít tiền, gửi về quê cho ba mẹ, cô không dám mua sắm gì cho bản thân, vì cô nghĩ ba mẹ ở quê cần tiền hơn cô. Thế rồi cô thi đậu đại học, cùng năm ấy, cô của Ninh sinh hạ thêm một bé gái nữa. Nhưng không giống như em gái họ đầu tiên của Ninh, đứa này khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm, ẵm nó trên tay thì nó nín, mà hễ đặt xuống là nó khóc liền. Ninh đâu dám để vậy, nên cứ ẵm em trên tay, nhiều khi cả đêm như vậy, cô phải ngồi mà ẵm. Có lúc mệt quá, cô thiếp đi, chẳng may tuột tay, rơi cả em xuống giường, nó khóc ré lên, rồi cô dượng của Ninh đánh cho Ninh một trận thừa sống thiếu chết, vì tội “ăn hại”. Suốt mấy tháng ròng rã, cô sụt đi cả gần chục kí. Đến lớp học, mà chẳng thể nào chú tâm, nhiều khi người ta thấy cô ngủ gục ngon lành trong lớp. Năm ấy vừa mới vào đại học, phải học kiến thức nền tảng, lại liên quan tới kinh tế, kế toán, do đó cô đã không thể theo kịp chương trình. Chán nản, cộng với áp lực từ việc đóng học phí, cộng với từ cô và dượng, cô đã quyết định xin nghỉ học. Đó cũng là quyết định mà sau này Ninh vô cùng ân hận.
Rồi cô bắt đầu đi làm, với tấm bằng cấp 3 trong tay, cô chỉ có thể làm lao động phổ thông. Cô xin vào làm trong một nhà máy sản xuất dụng cụ y tế của Đài Loan ở Đồng Nai. Lúc này, vì đã đi làm có thêm thu nhập, cộng với biết chăm chút một chút, nên Ninh không còn nhem nhuốc như ngày nào. Vào cái tuổi của Ninh, cũng chính là thời điểm mà người con gái đạt tiêu chuẩn đẹp nhất trong cuộc đời, tuy không sở hữu làn da trắng, hay hàm răng khểnh, nhưng cô lại có làn da ngăm ngăm khỏe mạnh, hàm răng trắng và má lúm đồng tiền rất duyên. Nụ cười của cô đã làm xiêu lòng không biết bao nhiêu chàng trai rồi.
Đêm đó, khi cô đang ngủ, thì có người đẩy cửa phòng cô, rồi ôm chầm lấy cô. Cô giật mình thót một cái, thì ra đó chính là dượng cô, người ông ta nồng nặc mùi rượu. Vô cùng kinh hãi, nhưng cô chợt chấn tĩnh, van nài ông ta: “Dượng ơi, dượng tha cho con!”, nhưng ông ta không bằng loài cầm thù, cười hả hê mà rằng: “Cho dượng hôn một cái, ôm một cái!”. Hai người cứ thể mà giằng co. Thấy có tiếng động, cô của Ninh chạy xuống, bà ta mặt cắt không còn một giọt máu, chưa biết ai đúng ai sai, cơ sự đầu đuôi ra làm sao, mà đã lao vào, túm tóc Ninh, rồi tát cho cô một cú như trời giáng: “Bà nuôi mày ăn, nuôi mày lớn bằng từng này, để mày dụ dỗ chồng bà, để mày cướp chồng bà à? Con khốn nạn này!”. Ninh khóc lóc, quỳ lạy cô: “Con đâu dám, dượng....”. Cô chưa kịp nói hết câu thì bà ta lao vào cấu xé cô: “Mày còn dám cãi bà, bà trông thấy tận mắt mà mày còn dám cãi à? Xéo ngay khỏi đây!”. Nói rồi, bà ta ném hết quần áo và đuổi Ninh ra khỏi nhà, còn chồng bà ta, luôn mồm đổ lỗi, là do Ninh dụ dỗ ông ta. Ninh nhặt quần áo trên tay, mà không biết đi đâu về đâu, trời vẫn còn chưa kịp sáng.
Cô tìm đến người bạn cùng lớp cấp 3 với mình, cho xin tá túc một đêm, và vay mượn thêm bạn bè, để thuê một phòng trọ nhỏ gần công ty. Chuyện này khiến cô cảm thấy vô cùng xấu hổ, nên cô không dám kể với bất kì ai, kể cả má của cô. Sau này, má cô có gặng hỏi, vì sao không ở nhà cô dượng nữa, thì cô chỉ lấy cớ rằng, vì muốn đi làm gần công ty, và đã lớn nên muốn tự lập. Ba má cô thấy vậy nên cũng không hỏi gì thêm.
Từ ngày đó, cô bắt đầu sợ đàn ông, cứ hễ có người xin số điện thoại làm quen, là cô từ chối. Cô cứ lủi thủi, cứ thu mình như thế mãi. Cho đến một ngày gặp Hào, một anh công tử con nhà giàu, có tiếng chịu chơi, trong một lần tình cờ đi sinh nhật bạn chung của hai người, mà Ninh và Hào quen biết với nhau. Anh ta tìm đủ mọi cách tiếp cận cô, chăm sóc cô, sáng đòi đưa cô đi làm, tối lại đón về, thi thoảng đưa cô đi chơi một vài nơi, thậm chí đã hứa vì cô mà thay đổi bản tính. Cứ như thế, mưa dầm thấm lâu, cô cũng xiêu lòng trước sự quan tâm nhiệt tình của Hào. Họ đã hứa cùng nhau xây đắp hạnh phúc tương lai. Ấy vậy mà niềm vui chẳng tày gang, có được tình cảm của Ninh rồi, Hào trở về đúng với bản chất thật của mình, anh ta lại tối ngày chơi bời lêu lổng, thậm chí cái tính trăng hoa thì vẫn chứng nào tật ấy. Hôm đó là chủ nhật, hai người rõ ràng đã có hẹn đi chơi cùng nhau, ấy vậy mà cô không thấy Hào đâu, gọi điện cũng không thấy anh ta nhấc máy. Anh ta mất tích đến 5 hôm liền. Có người nói với cô rằng, anh ta đã có bạn gái mới, rằng cô nên chia tay với anh ta đi, nhưng cô không tin. Thế rồi buổi trưa nắng như đổ lửa ấy, cô thấy chiếc xe máy cùng người ngồi trước hình như là Hào, nhưng người ngồi sau là một cô gái trẻ đẹp, họ phóng xe máy vút qua, cô phải gọi một chiếc xe ôm đuổi theo đằng sau. Họ tới một quán cà phê, tình tứ ôm nhau đi vào. Cô ngã quỵ xuống, cô dường như không thể tin được những gì vừa mới diễn ra, giờ thì cô đã hiểu, hóa ra anh ta mất tích 5 ngày là đi cùng cô ta.
Ông trời thật biết trêu đùa với cô. Quá đau khổ, cô không thèm nói với Hào lời nào, quyết định về quê, về với má, hi vọng sự đầm ấm, chan chứa tình người nơi quê nhà, sẽ làm vết thương trong lòng cô sớm lành.
Lúc này, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, có một chàng trai người tên Nghi - Đài Loan đang cầm trong tay bức ảnh của Ninh. Chẳng là 3 năm về trước, khi ba má cô sốt sắng chuyện gả chồng cho cô, có người mách đi Đài Loan được đổi đời, nên ba má cô đã gửi ảnh cho công ty môi giới hôn nhân, nhờ họ tìm cho Ninh một mối khá giả bên đó. Còn bên Đài Loan, ba mẹ của Nghi gia cảnh không khá giả gì cho lắm, hơn nữa Nghi cũng đã sắp 40 tuổi, nên họ đến công ty môi giới để tìm một cô dâu cho con trai của họ. Khi họ mang bức hình của Ninh về đưa cho Nghi, anh không nhìn đến một lần, mà cứ cất trong ngăn kéo, bởi anh không muốn có một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, hơn nữa đó lại là một người anh không hề quen biết. Tình cờ một hôm dọn ngăn kéo, tấm ảnh rơi ra, đằng sau có ghi tên và cả số điện thoại của chủ nhân. Anh tặc lưỡi, thôi coi như duyên phận, không có duyên vợ chồng, cũng có duyên làm bạn. Anh nhấc điện thoại gọi cho Ninh mà tim đập thình thịch, đầu bên kia: “Alo, ai đấy ạ?”. Nghi ú ớ, nói tiếng Trung với Ninh. Do ngày trước có làm cho một công ty của Đài Loan, nên Ninh nghe cũng hiểu một chút ít, cô cảm thấy khá thú vị với kiểu nói chuyện, làm quen này. Rồi cô muốn hiểu rõ hơn những gì mà Nghi trao đổi với cô trong điện thoại, cô quyết định tham gia lớp học tiếng Trung vào buổi tối.
Trước lời mời của Ninh, Nghi qua Việt Nam thăm cô. Mặc dù biết Nghi hơn mình cả chục tuổi, nhưng khi nhìn thấy Nghi ở sân bay, cô vẫn không khỏi ngỡ ngàng, anh quá già so với những gì mà cô tưởng tượng. Cô có chút thất vọng, nên cả đoạn đường dài về nhà, cô không nói với anh câu nào. Nghi dường như nhận ra sự khác biệt trong thái độ của Ninh, nhưng anh không buồn, vì anh coi cô như một người bạn, anh hỏi thăm, trò chuyện với Ninh cũng như một người bạn. Anh cũng kể cho Ninh, rằng nhà anh rất nghèo, anh cũng làm lao động chân tay bình thường như bao người khác. Chính sự chân thành ấy, khiến cô thấy cảm động, họ nói chuyện cởi mở hơn, vui vẻ hơn. Trong chuyến đi chợ nổi Cần Thơ, cô bị say sóng, bất giác cô gục đầu vào vai Nghi mà thiếp đi, lúc tỉnh dậy, cô thấy Nghi cười tươi rói, còn cô mặt đỏ lựng vì ngượng. Chuyện đó, mãi sau này khi đã thành vợ chồng, họ vẫn còn kể lại cho nhau nghe.
Cô đưa anh đi thăm thú những cảnh đẹp quê cô, thế mà cũng một tuần trôi qua, Nghi phải quay lại Đài Loan, họ quyến luyến nhau chẳng muốn rời, phải chăng cô đã yêu anh? Phải chăng họ đã yêu nhau mất rồi? Cô không biết nữa. Sau khi trở lại Đài Loan, Nghi vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm cô, nhưng họ không còn nói chuyện với nhau với tư cách là những người bạn, mà là người yêu của nhau. Rồi cô cũng bắt đầu thưa chuyện với ba má, để hai người được kết duyên với nhau. Nào ngờ ba má cô phản đối, nói rằng: “đã gả sang Đài Loan là phải gả cho một đám tử tế, chứ gả cho cho Nghi, sau này con sẽ phải chịu khổ, nhà anh ta quá nghèo!”.Nhưng cô đã quyết định rồi, cô nói với ba má rằng: “Nếu ba má không cho, thì con bỏ nhà theo anh ấy!”. Trước sự kiên định của cô, cuối cùng ba má cô cũng đồng ý. Hai người họ tổ chức một đám cưới nho nhỏ, giản dị, và anh đón cô về Đài Loan.
Từ ngày về làm dâu, Ninh đã được bố mẹ chồng quan tâm, hỏi han, vì ông bà biết rằng làm dâu đối với một người Đài Loan đã là một việc không đơn giản, huống chi cô lại là người nước ngoài, ngôn ngữ chưa thông, đường xá không biết, phong tục tập quán cũng không rành. Thế rồi, được sự giới thiệu của một chị cô dâu người Việt ở gần nhà, cô tham dự lớp nhận chữ tiếng Trung vào buổi tối. Tiếng Trung của cô tốt dần, chồng và bố mẹ chồng của cô rất vui vì cả nhà đã có thể hiểu nhau hơn. Bố mẹ chồng của Ninh muốn cô ở nhà phụ giúp cho chồng, một phần sợ cô ra ngoài, biết đâu bị bạn bè rủ rê, sau này bỏ chồng không chừng, nên từ ngày sang cô rất ít khi ra ngoài, trừ khi cùng mẹ chồng đi chợ, đi hoặc tiếng Trung hoặc chồng dẫn đi chơi. Nhưng vốn là một người nhanh nhẹn, hoạt bát, vả lại cô cũng không muốn hoàn toàn dựa dẫm vào kinh tế của nhà chồng, nên trong lòng vẫn ấp ủ ý muốn đi làm.
Duyên nghề nghiệp của cô cũng thật tình cờ. Trong Hội chị em tân di dân Đài Nam (台南市新移民女性關懷協會), có một chị chủ tịch người Đài Loan trong một lần tình cờ thấy cô trổ tài nấu nướng các món Việt Nam đã ngỏ ý muốn mời cô tới dạy cách làm món ăn Việt Nam cho người Đài Loan. Họ nếm thử những món ăn của cô làm, đều khen cô có tài nấu nướng, họ khuyên cô tại sao không tự mình mở một quán ăn Việt Nam ở bên này. Chính điều đó đã gợi mở ý tưởng cho cô, nhưng cô cũng rất đắn đo, cô sợ không biết mình có làm được không, mình mới chân ướt chân ráo qua đây, vốn liếng thì không có, rồi không biết những món cô nấu có được mọi người hưởng ứng hay không nữa. Những suy nghĩ bộn bề đó cứ theo cô cả tuần liền. Cuối cùng cô nói với chồng, anh đồng ý ngay, và khuyên cô nói với ba mẹ chồng cô xem sao. Trong bữa cơm tối hôm đó, cô đặc biệt chiêu đãi cả nhà bằng toàn những món ăn Việt Nam, ba mẹ chồng cô thấy lạ, bèn hỏi, thì cô nói muốn nhờ ba mẹ thẩm định giùm, nếu nấu như thế này, đã hợp khẩu vị của người Đài Loan hay chưa, và ngỏ ý muốn mở quán ăn bán đồ ăn Việt Nam. Ba mẹ chồng cô có chút e ngại, nhưng vì cô rất tha thiết nên cuối cùng họ cũng đồng ý. Dưới sự giúp đỡ của nhà chồng, cô bắt đầu ngày bán đầu tiên ủy ban nhân thành phố(市政府), chồng cô giúp cô làm gà, ba chồng cô giúp cô chở đồ đạc, mẹ chồng phụ cô bán hàng. Ngày đầu tiên suôn sẻ, cô bán hết 30 chén bún gà, rồi con số cứ lớn dần, đến gần 200 chén. Lúc đó cô muốn mở rộng kinh doanh, nên mở hẳn một cửa tiệm ở một trường Đại học gần nhà, lần này, cô bán thêm nhiều món nữa, giới thiệu cho thực khách nhiều món ăn Việt Nam hơn, đồng thời lấy tên biển hiệu đàng hoàng: Ninh Xuân, với lí do sự khởi đầu mới, sự sống mới bắt đầu. Rồi cô còn mở thêm cửa tiệm nữa gần cục thuế, và thuê thêm người làm. Công việc làm ăn kinh doanh thuận lợi hơn cả sự tưởng tượng của cô và gia đình nhà chồng.
Làm công việc bán đồ ăn, rất vất vả, ngoài việc thức khuya dậy sớm, còn phải ghi chép sổ sách chi tiêu, nhưng cô hiểu mình phải luôn cố gắng, không phụ công giúp đỡ của mọi người, cô cũng rất vui mừng, vì cô đã có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Cô nhận những du học sinh người Việt và những cô dâu Việt vào làm thêm quán của mình, cô tâm sự rằng là người cùng quê hương phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vậy, ai biết đến cô đều không khỏi khâm phục và yêu mến cô.
Cuộc sống cũng sẽ chỉ có vậy, nếu như không đến một ngày kia, ba mẹ chồng cô sốt sắng chuyện cô sinh cháu cho hai cụ bồng bế, cho vui cửa vui nhà. Đâu phải là cô không muốn, nhưng hai vợ chồng cô vẫn chưa thể có con, họ đi bệnh viện khám, nhưng  đều kết luận vợ chồng cô hoàn toàn bình thường. Ba mẹ chồng cô cho dù đã biết kết luận của bác sĩ, nhưng cô hiểu, họ vẫn rất mong mỏi có cháu bế.
Đã sau 5 năm, cô trở lại Việt Nam thăm ba mẹ, đồng thời mang khoản tiền mà cô dành dụm bấy lâu nay để ba mẹ cô sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ đạc. Cô nghe mẹ cô nói, cô và dượng của cô li hôn mấy tháng trước, do dượng cô có người phụ nữ khác ở bên ngoài. Hai đứa trẻ ở với mẹ, còn dượng cô đi theo người đàn bà kia, mang theo cả tiền và những vật dụng giá trị, nên ba mẹ con cô của Ninh rất thiếu thốn. Cô nghe xong mà không khỏi bận lòng, rồi cô cũng bỏ qua chuyện cũ, lên Đồng Nai thăm cô ruột một chuyến. Đến nơi, nhà vẫn thế, nhưng chợt kí ức năm xưa ùa về, khiến cho cô chùn chân, chỉ muốn bỏ chạy, nhưng bình tâm lại. Cô gọi cổng, cô của cô chạy ra, sững sờ, bà cười rồi lại khóc, nắm lấy tay Ninh: “Ninh đấy hả con? Lâu quá rồi! Mau vào đi con!”. Bà nói chuyện trong nước mắt: “Ninh, cô xin lỗi con, năm đó đã không phải với con! Tha lỗi cho cô!”. Ninh không kìm được nước mắt, bao nhiêu đắng cay, tủi nhục, mọi chuyện đã qua, nhưng nay coi như được giải oan, cô nấc lên: “Cô ơi, chuyện qua rồi, con cũng không để trong bụng nữa”. Thế rồi hai cô cháu nói chuyện, hàn huyên tâm sự với nhau, họ kể cho nhau nghe những chuyện quá khứ, những chuyện của hiện tại, cả những dự định của tương lai. Trước khi về, Ninh còn biếu cô một chút tiền, để cô sắm sửa đồ đạc và lo cho hai em ăn học. Cô của Ninh không dám nhận, nhưng Ninh nói: “Cô nhất định phải nhận, đây là con báo hiếu với cô, số tiền ít ỏi, không đáng là bao”.
Sau đó Ninh trở lại Đài Loan, nhưng lần này cô đi trong sự thanh thản trong lòng, mọi khúc mắc trong lòng cô đều đã được giải tỏa, lòng cô nhẹ bẫng.
Đã 3 tháng kể từ ngày cô từ Việt Nam trở về, trong bữa cơm trưa của gia đình, cô tự nhiên thấy khó chịu trong người, nôn nao, cô ăn gì vào là nôn ra. Ba mẹ chồng và chồng cô vô cùng lo lắng, cứ nghĩ cô bị ngộ độc thức ăn, chồng cô đưa cô tới bệnh viện.
Ngoài trời lúc này mưa tầm tã!
 Nào ngờ bác sĩ kết luận rằng: kết quả hoàn toàn bình thường, và rằng Ninh đã có bầu được 6 tuần rồi, nôn chỉ là biểu hiện của nghén mà thôi. Hai vợ chồng cô nghe thế, ôm chặt lấy nhau, nước mắt tự lúc nào lăn dài trên má cô, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Vậy là một hài nhi bé bỏng đang lớn dần trong bụng Ninh, để cho hạnh phúc của gia đình cô thêm phần trọn vẹn.
Niềm hạnh phúc đến với vợ chồng Ninh quá bất ngờ, giờ đây họ đang chờ đón đứa bé ấy từng giờ từng phút, họ vừa đi vừa nắm chặt tay nhau, mỉm cưởi.
Tự lúc nào, trời đã tạnh mưa, ở phía xa xa cầu vồng mới đẹp làm sao!