Nỗi Lòng Người Con Xa Xứ

2014-05-17 / Nguyễn Cẩm Thùy / Nỗi Lòng Người Con Xa Xứ / Tiếng Việt / 內政部入出國民移民署台東服務站


“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.”

Ai đã từng nghe qua bài hát “Quê hương” của tác giả Giáp Văn Thạch thì không khỏi chạnh lòng trước nỗi nhớ về quê hương đất nước. Nỗi niềm ấy luôn ấp ủ trong tận đáy lòng của tôi và tôi đã mang nỗi niềm ấy truyền đạt cho các con của tôi, để mai sau khi lớn nên người chúng còn có thể hiểu về quê hương, đất nước, tiếng nói, nơi mà mẹ chúng được sanh ra đời.

“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.”

Gia đình tôi gồm có bảy người: cha mẹ và năm chị em chúng tôi, tôi là con thứ hai trong gia đình. Chúng tôi sống trên một chiếc ghe nhỏ được lợp bằng lá, mỗi mùa mưa nắng cuộc sống càng trở nên vất vả. Cha mẹ tôi buôn bán hàng bông và rau cải ở ngoài chợ, hàng ngày phải thức khuya dậy sớm, tảo tần nuôi con khôn lớn, cha tôi ngày ngày phải chèo ghe hàng chục cây số để vất vả mưu sinh. Tuy cha mẹ làm lụng vất vả, ấy thế mà chưa bao giờ chúng tôi nghe thấy một lời oán trách, một tiếng than vãn từ cha mẹ. Niềm vui lớn nhất đối với cha mẹ đó chính là được trông thấy sự bình an và no ấm của chị em chúng tôi. Ngày tháng cứ như thế mà trôi qua, chúng tôi không dám trông chờ vào hai chữ “tương lai”. Tôi còn nhớ như in những ngày cha mẹ vội vã đi bỏ hàng trong phiên chợ sớm, thằng út vòi vĩnh không dứt cứ níu kéo mẹ mà khóc “Mẹ ơi, mẹ đừng đi ở nhà với con”. Mỗi khi nghĩ về kỷ niệm xa xưa ấy, chị em chúng tôi không ai cầm được nước mắt. 

Và thời gian cứ thế mà trôi qua, mãi cho đến một ngày nọ, dưới sự giúp đỡ của một người bà con, tôi và chị hai cuối cùng cũng học được một cái nghề làm nền tảng để kiếm sống. Chị tôi theo ngành y, còn tôi thì làm thợ may. Đồng lương của hai chị em lúc bấy giờ tuy không là bao nhưng cũng an ủi rằng không ít thì nhiều phần nào cũng có thể đỡ đần cha mẹ chăm lo cho các em nhỏ. Sau này khi gia đình có thêm nhiều chi tiêu, tôi đành phải lên thành phố xin việc và sống nhờ nhà người cậu bà con xa của mẹ. Hằng ngày ngoài công việc ở xí nghiệp may ra, tôi còn phải giúp gia đình cậu dọn dẹp nhà cửa, lúc họ không vừa ý thì bao nhiêu mắng nhiếc, chửi rủa một mình tôi phải gánh chịu hết. Đôi khi tôi chợt nghĩ về bản thân và số phận của mình sao mà lắm nỗi sầu đau, nhưng lại lo cho gia đình cha mẹ và các em nhỏ, và thế là đành phải tiếp tục cắn răng chịu đựng.

Ba năm sau vì hoàn cảnh đẩy đưa, tôi buộc phải về quê sống cùng gia đình. Năm ấy, trào lưu lấy chồng Đài Loan trở nên tương đối phổ biến ở Việt Nam, và không ngờ... ba năm sau, người chị họ của tôi dẫn một người đàn ông Đài Loan về làm mai cho tôi. Ban đầu tôi phân vân và suy nghĩ rất nhiều, vì tôi không hề muốn rời xa quê hương, không muốn cách biệt gia đình, lại càng không muốn bỏ nơi chôn nhau cắt rốn này mà đi lấy chồng nơi xứ lạ quê người.

“Chồng gần sao em không lấy
Mà vội đi lấy chồng xa
Một mai cha yếu mẹ già
Chén cơm bát nước chén trà ai dâng?”

Nhưng khi ngoảnh nhìn hoàn cảnh gia đình mình, suốt bao năm ròng nhọc nhằn vất vả mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Thế là tôi tự cho mình một hy vọng vào tương lai và đứt ruột quyết định “đi lấy chồng xa”. Khi rời mảnh đất gắn bó với bao kỷ niệm từ tấm bé để đến làm dâu nơi xứ lạ quê người, trong lòng tôi luôn mang một niềm hy vọng và xem Đài Loan cùng gia đình chồng như là quê hương thứ hai của mình, nhưng nỗi nhớ về quê hương Việt Nam vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai.

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.”

Ngay từ khi về sống cùng với gia đình chồng, do sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán, đôi khi cũng gặp không ít những khó khăn trở ngại. Tôi sống cùng gia đình chồng thực sự cũng không kém vất vả so với khi ở Việt Nam: ngày ngày tôi phải thức dậy từ rất sớm, ngày nấu ba bữa cơm, chăm lo cha mẹ chồng, ấy thế mà vẫn không vừa lòng mẹ chồng. Lúc bấy giờ mọi chi tiêu và sinh hoạt phí của tôi phụ thuộc vào chồng nên cũng không có dư mà gửi về cho gia đình, không biết cuộc sống của cha mẹ và các em bây giờ ra sao, họ có khỏe không? Tôi tâm sự với chồng, và rồi nhân dịp Tết Nguyên Đán, anh cho tôi được vài ngàn Đài tệ, tôi cầm số tiền trong tay mà không cầm được nước mắt, trong lòng lúc này chỉ có một ao ước nhỏ nhoi, hy vọng với số tiền này có thể giúp gia đình tôi có một cái Tết đầy đủ no ấm mà chúng tôi hằng mong ước.

Thời gian cứ thế trôi qua, trôi qua, cho đến một ngày, cha chồng tôi đột nhiên bệnh nặng phải nằm viện, mặc dầu gia đình chồng có đến ba người con trai đã lập gia đình, thế nhưng chẳng ai quan tâm và lui tới bệnh viện trông nom, săn sóc cho cha cả. Lúc bấy giờ, tôi đã có một cháu bé trai, tôi đành phải nhờ người chị họ, người làm mai cho tôi, giúp tôi trông đứa con nhỏ, để tôi còn dành thời gian săn sóc cha chồng, lo cơm nước cho chồng và mẹ chồng. 

Cha chồng tôi bị tai biến, đi lại cũng khó khăn và cũng không nói chuyện giao tiếp được. Nhưng tôi nhớ như in cái ngày mà cha cầm tay tôi, rưng rưng nước mắt, dường như muốn nói với tôi điều gì đó. Tôi bèn nói với cha: “Cha ơi, con không sao đâu. Con lo cho cha vì cha là cha của con. Tuy cha là cha chồng nhưng con luôn xem cha như là cha ruột của mình.” Khi cha nghe tôi nói những lời như thế, cha nhìn tôi cười và rơi nước mắt, giọt nước mắt của cha làm tôi cũng vì thế mà “đỏ hoe đôi mắt”, thế nhưng tôi phải cố gượng và cầm lại nước mắt của mình để còn an ủi và động viên cha. Tôi tự nhủ với lòng mình, bổn phận làm con thì trước hết hãy làm tròn chữ hiếu, mặc nhiên kể cả đối với cha mẹ chồng.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.”

Cha chồng tôi sống được ba năm thì qua đời. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, gia đình tôi lại đón thêm một thiên thần bé nhỏ rất dễ thương, thế là giờ đây tôi đã là một người mẹ hai con: một bé trai và một bé gái. Tôi thường nghe người ta bảo rằng gia đình có con trai và con gái hợp thành một chữ “hảo”. Ngỡ rằng cuộc sống mai này sẽ khá hơn, nhưng ngờ đâu cuộc đời vẫn lắm nỗi gian truân. Khi con gái tôi vừa tròn sáu tháng tuổi, tôi phải dắt con bé cùng đi sắp lá trầu với mẹ, rất vất vả, nhiều lần còn bỏ con cù bất cù bơ. Khi con đói tôi chỉ nhín được một chút thời gian cho con bú rồi lại tranh thủ với công việc của mình, vừa kiếm sống nhưng vẫn không hề quên trách nhiệm và bổn phận của mình, tôi vẫn tranh thủ thời gian về nhà lo việc cơm nước cho gia đình chồng, ấy thế mà chồng tôi vẫn mảy may vô sự, không một sự đỡ đần, nhiều lúc tôi thấy rất tủi thân, nhưng vì con mà cố gắng tiếp tục nỗ lực.

Khi bé gái tròn một tuổi, tôi bị gai cột sống và phải nằm viện ở bệnh viện Đài Đông. Nhìn mọi người xung quanh ai ai cũng có người thân thăm nom, săn sóc, mà tôi thì chỉ một mình lủi thủi trong bệnh viện, thì nỗi nhớ về gia đình lại trào dâng trong lòng, nhớ cảnh quây quần sum họp với cha mẹ vớichị em, không tránh làm tôi rơi lệ. Giá như bây giờ có thể được bên cạnh họ thì hay biết mấy. Vài ngày sau tôi xuất viện với một tâm trạng bần thần và buồn bã, lại không một ai có thể cùng tôi san sẻ nỗi lòng. Những lúc như thế, tôi thường ra biển ngắm nhìn những cơn sóng vỗ và hét to rằng: “Cha mẹ ơi, gia đình ơi, con nhớ mọi người lắm!”

Bạn bè luôn nghĩ tôi là một người lạc quan, vui vẻ, nhưng sâu thẳm trong tận đáy lòng tôi là một nỗi niềm khôn tả, tôi giữ kín mãi trong lòng để những người quan tâm, yêu thương tôi không phải vì tôi mà lo lắng, phiền hà. Thế nhưng điều khiến tôi ngày đêm trăn trở đó là cơn bệnh tim và bệnh cao huyết áp của mẹ tôi. Tôi luôn cất sâu nỗi lo lắng, một nỗi niềm man mác buồn khi nghĩ về mẹ.

“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi tội lắm ai ơi!
Đói cơm khát nước biết người nào lo?”

Ngày ngày tôi tụng kinh niệm Phật, cầu mong cha mẹ của tôi được bình an mạnh khỏe, gia đình được ấm no hạnh phúc là tôi đã thất mãn nguyện rồi. Hàng năm, lễ Vu Lan tháng bảy âm lịch, tôi ăn chay cầu nguyện báo hiếu cho cha mẹ. Nếu ai đó đọc bài viết này của tôi, tôi chỉ hy vọng rằng những ai còn có cha mẹ thì đừng bao giờ làm họ buồn nữa!

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”

Trở về với cuộc sống của tôi bên Đài Loan, năm con gái tôi được hai tuổi, bệnh gai cột sống của tôi lại tái phát, nằm viện ở Đài Đông cũng không khỏi, tôi đành phải nhờ chồng đưa tôi vào bệnh viện ở Hoa Liên, nhưng chồng tỏ ý không muốn và cuối cùng tôi phải nhờ đến người chị họ giúp đưa tôi nhập viện. Lúc làm thủ tục nhập viện, bác sỹ yêu cầu phải có chữ ký của người thân cho ca phẫu thuật. Tôi rất hoang mang và lo sợ, tôi đã gọi điện cho chồng nhưng anh ta không hề quan tâm dù chỉ một lời thăm hỏi, anh còn bảo rằng: “Đã có người chị họ của cô rồi, tôi vào bệnh viện để làm gì nữa?” Mãi cho đến lúc bác sỹ gọi anh ta vào, anh ấy mới đến bệnh viện và ký giấy tờ làm thủ tục. Khoảng thời gian chờ gọi đến làm phẫu thuật, chồng tôi không hề quan tâm đến tôi dù chỉ là một cuộc điện thoại hay một tin nhắn. Đôi lúc tôi buồn và tủi thân lắm, nghĩ mình có chồng mà cũng như không, tôi chỉ biết  ngồi một mình rơi lệ trong góc nhà. Khi về nhà, chồng tôi nghe người ta bảo làm phẫu thuật tốn kém lắm lo không nỗi đâu, anh bảo tôi hốt thuốc bắc uống thử xem sao rồi hãy tính đến chuyện phẫu thuật. Thế là tôi đành về nhà hốt thuốc bắc uống, uống được một tuần thấy bớt đau, và tôi tiếp tục uống trong ba tháng thì khỏi hẳn, nhưng phải thường xuyên uống thuốc tán và không được làm việc nặng nhọc. Khi tôi hết bệnh, tôi lại phải đi sắp lá trầu để tiếp tục mưu sinh kiếm sống.

Năm con gái tôi được ba tuổi, tôi phát hiện chồng tôi có vợ bé. Khi con người đã muốn thay đổi thì bằng mọi cách ta cũng không giữ được con tim của họ. Anh ấy trở nên ngày một quá đáng, bỏ mặc vợ con không lo, ̣đi làm về thì đi tìm cô gái ấy, đến mức quên cả đường đi lối về. Một lần nọ, cô giáo gọi điện cho tôi bảo rằng hôm nay không ai đến đón bé, tôi đành tạm gác lại công việc mà chạy đi đón đứa con nhỏ. Ngay cả con ruột mà anh ấy cũng bỏ mặc.

Trong lúc buồn, có một hôm, tôi ngồi xe lửa đi Cao Hùng để tìm một khoảng lặng bình yên. Khi bước xuống nhà ga, một chiếc taxi chạy đến và một người phụ nữ bước ra nhìn bộ dạng thất thần của tôi quan tâm mà hỏi tôi rằng: “Chị định đi đâu?” Tôi ngập ngừng trả lời: “Chị à, chị chở tôi đến ngôi chùa nào đó để quy y được không, tôi chán nản và mệt mỏi quá rồi.” Nghe xong chị ấy cười cho qua chuyện, một hồi sau, trước mắt tôi là một ngôi chùa nghiêm trang tráng lệ – chùa Phật Quang. Tôi vào viếng và thắp nhang lạy Phật, được gặp một vị sư cô, và tôi mang tâm sự của mình nói với sư cô. Khi nghe xong lời khuyên và thuyết pháp của sư cô, tâm trạng tôi khá lên nhiều, thoải mái và lạc quan hơn.

Tôi về nhà sống với chồng một thời gian và cho anh ấy cơ hội thay đổi. Thế nhưng tôi và anh dường như duyên nợ đã dứt, anh vẫn không hề cải thiện. Một ngày nọ, khi gia đình sum họp đầy đủ, anh còn mang cô ấy về nhà chơi, tôi vẫn tiếp đãi chu đáo xem như một người bạn của chồng. Và... thế là, vài tháng sau, anh ấy quyết định chia tay, khi ly dị chồng tôi ra điều kiện không chu cấp hàng tháng cho đứa con gái, không được chia tài sản, không được mang theo bất cứ thứ gì. Tôi nghĩ rằng duyên nợ đã dứt và tôi cũng đã làm hết bổn phận người vợ. Sau khi chia tay, chồng nuôi đứa con trai, còn tôi thì nuôi đứa con gái, hai mẹ con ra ngoài mướn một căn phòng của người bạn.

Hằng ngày tôi phải đi làm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con, nào là tiền nhà, tiền ăn, tiền học của con, v.v... Có khi đi làm về cơm chưa kịp nấu lại phải đi làm tiếp. Công việc hằng ngày mà tôi phải làm là đi sắp trầu, dọn dẹp nhà cửa cho người ta, có khi đến Sở Di dân giúp chị em đồng hương làm giấy tờ. Những lúc không có việc làm, tôi thường đi chùa làm công quả, như thế thì cuộc sống của hai mẹ con tôi mới trở nên có ý nghĩa hơn.

Cho đến một buổi chiều nọ, khi hai mẹ con đang ăn cơm thì điện thoại tôi reo lên, lúc bấy giờ tôi được biết chồng tôi đã nằm viện. Tối hôm đó, tôi đã bỏ việc làm của mình để cùng con gái vào viện thăm chồng. Khi hỏi thăm bác sỹ về bệnh tình của chồng thì tôi được biết anh bị tai biến, may mà người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời nên cũng không nguy hiểm. Lúc ấy, tôi mới yên tâm và bình thản được đôi chút, tôi chăm sóc anh được một tuần lễ cho đến khi anh xuất viện.

Tuy cuộc sống của tôi có phần vất vả nhưng bên cạnh tôi lúc nào cũng có bạn bè và người thân luôn động viên an ủi. Ước mơ lớn nhất của tôi chính là nuôi nấng đứa con sớm mau trưởng thành nên người. Nhìn con khôn lớn từng ngày và chăm chỉ học hành là niềm vui của tôi, mỗi khi đi làm về, mẹ con quấn quýt bên nhau cùng cười nói vui vẻ, dù cuộc sống không sung túc, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để lo cho con gái của mình, để mai này khi khôn lớn, cháu sẽ ít nhiều biết được quê hương của mẹ, biết thêm về mảnh đất nơi mẹ cháu được sanh ra đời và được nuôi dưỡng thành người, để cháu hiểu rằng, dù xa xứ, nhưng tình cảm của mẹ dành cho quê hương chưa hề nguôi ngoai, và đó cũng là một quê hương để cháu yêu thương và nhung nhớ.

Nguyễn Cẩm Thùy


〈離鄉孩子的心聲〉以平靜的文字敘述作者不平靜的生活。文中不時引用越南文詩作和歌謠,表達作者對母親、對家鄉的思念,同時也談著遠嫁女子的心聲。文章開始與結束,作者皆以「家鄉」為主題,也以對家鄉的思念心情作為教育孩子的奠基,讓孩子即使在台灣長大,亦能夠認識媽媽的故鄉。 
“Nỗi Lòng Người Con Xa Xứ” đã kể lại câu chuyện cuộc sống không bình lặng của tác giả bằng lời văn bình thản. Tác giả đã dùng những đoạn thơ và ca dao Việt Nam trong bài viết, thể hiện tâm trạng nhớ mẹ, nhớ nhà, đồng thời cũng nói lên tâm trạng của người con gái lấy chồng xa xứ. Ờ phần mở đầu và kết thúc, tác giả đều dùng “quê hương” làm chủ đề, lấy nỗi nhớ quê hương làm nền tảng giáo dục con cái, để con cái dù trưởng thành ở Đài Loan, nhưng cũng biết về quê hương của mẹ.