Ngày nó đi.

2015/5/26 / Veronica Nguyễn / Ngày nó đi. / Tiếng Việt / Không

Ngày nó đi …vui hay buồn nó cũng không biết nữa?
Có lẽ vậy, sau những khoảng thời gian đã qua, ngẫm lại nó tự thấy mình may mắn. Phải chăng cuộc sống đã đối đãi với nó quá hời. Nó có một gia đình luôn quan tâm, yêu thương, luôn dõi theo từng bước đi của nó, luôn động viên, luôn bên nó mỗi khi nó gặp khó khăn hay nản lòng. Nó có những người bạn, 5 năm, 10 năm, 20 năm hay hơn thế nữa. Những người bạn luôn bên nó, không so đo tính toán với nó, những người bạn luôn cùng nó những lúc điên nhất hay luôn cùng nó với những pha cười ra nước mắt. Những người bạn mà nó có thể trút hết mọi tâm sự, mọi chuyện trên trời dưới đất, hay những người bạn từ cái thời lật ngửa nằm nôi.
Ừ thì nghĩ vậy đó nhưng nó lại là đứa hay than, bất kể là xuân hạ thu đông, mùa mưa hay mùa nắng, cứ có chuyện là nó lại la oai oái, cái kiểu như là hét toáng lên cho cả thế giới cùng biết hay cái kiểu như một đứa trẻ khóc bù lu bù loa mỗi khi bị cướp mất món đồ chơi yêu thích. Mặc cho ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, vì với nó phải kêu la hay hét toáng lên như thế nó mới thấy thoải mái, chứ chuyện buồn, chuyện xui xẻo mà cứ im im trong người là nó cảm thấy bứt rứt khó chịu. Rồi nó đã chọn những con chữ để giải tỏa những suy nghĩ của bản thân. Bởi vì khi viết xong là nó sẽ quên hết mọi thứ. Cái kiểu như là đã có nơi khác lưu giữ giúp nó vậy. Đôi khi lật trang kí ức đọc lại những con chữ đó nó còn không nghĩ là chính nó đã viết, nhưng rồi nó nhoẻn miệng cười cho những gì đã xảy ra, những chuyện mà nó chỉ có thể trút vào những con chữ vô tri vô giác đó. Con người nó là vậy luôn là sự đan xen mà nhiều lúc ngay chính bản thân nó cũng không thể hiểu nỗi. Sôi nổi, hoạt bát cũng là nó, nhẹ nhàng, trầm lắng cũng là nó. Như người ta vẫn thường bảo nó “Đôi mắt buồn nhưng đôi môi biết cười”. Nhiều khi nó nghĩ đó cũng là sự công bằng mà tạo hóa đã tạo ra nó. Nó buồn đấy nhưng vui cũng nhanh lắm, rồi tụi bạn cứ bảo nó là trẻ con. Ừ thì nó là “trẻ con già”.
Nó thích du lịch, nó thích khám phá, nó muốn đi, đi đến những vùng đất mới, những trải nghiệm mới và những bài học mới. Với nó “cuộc đời là những chuyến đi”. Và rồi cơ hội đến, nó được đi mà theo người ta vẫn thường nói là đi đến một chân trời mới, một tri thức mới. Một cánh cửa mới đã mở ra với nó nhưng cũng là một thử thách lớn mà nó cần phải vượt qua.
Gia đình nó không có điều kiện như người khác, mà theo như Ba nó vẫn hay nói đùa với người ta: “Họ thì nợ như chúa chổm, chứ mình đây chúa chổm phải gọi bằng bố”. Nó biết nó đi lần này cũng là một áp lực cho Ba mẹ nó, nhiều lúc nghĩ nó tính bỏ cuộc, vì nếu nó không đi nó vẫn sẽ đi làm và vẫn có thể giúp ba mẹ nó. Nhưng rồi ba mẹ, ông bà nó lại động viên nó, “đi đi con, ba mẹ không nuôi nổi thì còn có ông bà, cậu dì, không lẽ không nuôi con nổi hai năm sao”; “cứ đi đi, cùng lắm thì ta vay mượn không thì bán miếng đất để nuôi mi”; “đi đi mi, qua đó hoàn cảnh buộc mình phải cố gắng chứ ở nhà cũng không khá hơn mô” – những câu nói đó cứ lởn vởn mãi trong đầu nó. Và rồi nó cũng quyết định đi, vì nó biết nó không thể phụ lòng những người yêu thương nó dù nó biết chuyến đi này nó chỉ làm tăng con số nợ của nhà nó lên mà thôi. Vẫn vậy nó đi không tiệc chia tay, chỉ là bữa ăn cơm nhà đơn giản như thường ngày và những câu chuyện phiếm, nhưng nó thấy vui.
15 tháng 9 năm ấy…
Ngày mà có lẽ nó sẽ không thể quên được. Ngày mà gia đình nó, bạn bè nó, những người yêu thương nó đã gửi gắm vào nó không biết bao nhiều niềm tin, hy vọng và hoài bão. Nó khóc, không hiểu sao lúc đấy nước mắt nó lại rơi. Nó thấy tim nó như có gì đó nhói lên mà nó không thể tự giải thích được. Nhưng rồi nó lại vội lau nhanh đi và cười vì nó không muốn Ba nó thấy nó yếu đuối. Nó cần phải mạnh mẽ, vì chặng đường phía trước nó còn rất nhiều chông gai mà nó phải vượt qua, một thân một mình nơi xứ lạ nó muốn Ba nó yên tâm. Nó có thể sống tốt, nó có thể tự lo được cho bản thân nó.
Chuyến bay ấy – chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời nó đã đưa nó đến nơi đây – thành phố Cao Hùng, Đài loan.
Nếu như Đà Nẵng hay Hà Nội chia tay nó với những giọt mưa phùn lất phất thì Cao Hùng lại chào đón nó với những tia nắng ấm. Khác xa với suy nghĩ của nó, nó cứ nghĩ là bên này lạnh lắm, có tuyết nữa, buồn cười thật nhiều khi nó cũng thấy suy nghĩ của nó cứ trẻ con kiểu gì. Nhưng nó biết cuộc đời nó đã chính thức lật sang trang mới. Dù thế nào thì nó cũng cần phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa.
Ngày nào còn bỡ ngỡ vậy đấy mà giờ đây thoắt cái cũng đã gần hai năm, hai năm tha phương, hai năm nơi xứ người, vui cũng nhiều mà buồn cũng vô số, nhưng nó thấy cuộc sống nơi đây đã dạy cho nó rất nhiều điều, những bài học về cuộc sống. Có những lúc nó nhớ nhà, đôi lúc nó thấy mình cô độc, nó thèm được ăn bữa cơm mẹ nấu, thèm được nghe ba căn dặn đủ điều mỗi khi ra khỏi nhà nhưng cũng chỉ là nhớ. Rồi nó lại gọi về nhà cười toe toét và kể chuyện thường ngày của nó và cũng chỉ để ám chỉ nó khỏe lắm, nó vui lắm, cả nhà đừng lo lắng cho nó. Cuộc sống nơi đây đã dạy nó dù có thế nào đi nữa thì cũng không được bỏ cuộc.
Ban đầu với nó những ngỡ ngàng chỉ bắt đầu từ những thứ rất nhỏ như bên đây người ta rất ít đi xe số, toàn đi xe ga, phương tiện với họ chính xác là phục vụ cho việc đi lại, không phải theo phong cách hay thời thượng, hay những trạm nước tự động xinh xinh mà lúc mới qua nó cứ ngỡ là trạm xăng tự động, rồi thì sân vân động của trường lúc nào cũng có người từ người già cho đến trẻ nhỏ, nhiều lúc 2-3h sáng rồi nhìn qua lan can kí túc nó vẫn thấy có người đang đi bộ, rồi thì những người bằng tuổi Ngoại nó vẫn leo núi nhanh hơn cả nó, hay tất cả các trường bên đây mà nó tới, dù là trường cấp 1 cho đến đại học đều cho sân vận động rất bự, và ai cũng có thể vào đi bộ hay tập luyện. Rất nhiều thứ nó thấy lạ, cũng như kí túc nó ở ra ngoài người ta cũng không cần khóa cửa và cũng chẳng sợ mất đồ, từ kí túc cho đến trường học hay ngoài đường chỗ nào cũng có camera. Như mấy anh chị khóa trên từng nói nó, em quên đồ ở đâu, chỉ cần nhớ rồi nhờ họ dò camera là tìm ra. Rồi cả mức chi tiêu ở đây nữa, một bữa cơm phải hết tầm 60-70 tệ, rồi cốc nước cũng hết tầm 30-40 tệ là gần 25.000 tiền việt, rồi cái gì nó cũng thấy mắc, sách nó học cũng vậy, một cuốn sách mà hết 1.280 tệ gần 800.000 tiền việt, mấy anh chị cứ bảo nó em đừng nghĩ tiền việt nữa, nếu không là không mua cũng không tiêu được đâu.
Cuộc sống người Đài ở đây cũng vậy, nó cũng thấy lạ. Ở đây nếu phạm lỗi họ sẽ phạt rất nặng như hút thuốc ở những nơi có biển cấm sẽ bị phạt 1 vạn, hay nam vào kí túc xá nữ mà không xin phép người quản lí cũng bị phạt 1 vạn...sinh viên thì luôn phải trực nhật mỗi tuần, với đại học còn được coi là môn học, theo như nó được biết.
Nó cũng được biết văn hóa xếp hàng ở đây, hay sự cởi mở nhiệt tình của người Đài. Có lần nó bắt xe buýt về trường, không may cho nó là tuyến xe 52 nó biết đã đổi tuyến và không đi qua trường nó nữa. Đang lơ ngơ không biết làm sao để về trường vì lúc đấy nó cũng mới qua, tiếng trung thì không sỏi, chỉ biết bập bẹ vài câu và tên trường của nó thì nó gặp ngay hai bạn trẻ người Đài, nó hỏi nó muốn về “Gao ying da”- tên trường nó đọc bằng tiếng trung. Hai bạn đó liền nói một thôi một hồi mà nó nghe không hiểu gì, mặt nó nghệch ra. Có vẻ như hai bạn đó cũng biết nó không hiểu, xong hai bạn dẫn nó đi, nó nhớ hai bạn dẫn nó ra cổng sau của ga, xong còn bắt xe 32 cho nó, xong cũng lên xe cùng nó, cũng xuống xe rồi dẫn nó đi bộ một đoạn, đến lúc nó nhận ra đường quen về trường nó bảo là nó có thể về được rồi và cảm ơn nhưng hai bạn vẫn dẫn nó về đến tận cổng trường rồi mới tạm biệt nó. Thật sự lúc đấy nó thấy người Đài thật tốt bụng và nhiệt tình, đặc biệt là hai bạn đó, nó cười thầm. Đến lúc nó về kí túc hai chị trong phòng mới bảo nó em cũng liều, họ dẫn mang đi bán cũng không biết. Lúc đấy nó mới giật mình, nó liều thiệt, nhưng mà thật sự là lúc đấy nó không hiểu sao nó không nghĩ được nhiều như vậy. “Chắc số nó may mắn được gặp người tốt” nó nghĩ thầm.
Tất cả chỉ mới bắt đầu, nó là con người luôn quan niệm mọi thứ đều là tương đối và không có gì là tuyệt đối cả. Nhưng dù sao thì nó cũng phải cảm ơn vì nó được đi, được gặp những con người mà theo nó là có duyên mới gặp.
Rồi cả những con người tình cờ nó được gặp, những lao động hay những cô dâu Việt, mỗi người một hoàn cảnh để rồi cùng tha phương nơi xứ người này. Nó cũng không biết nữa, nhưng nơi đây nó được gặp rất nhiều người Việt, nhưng nó thấy buồn. Một mình nơi xứ người, làm việc từ sáng đến tối, nhưng không phải ai cũng may mắn có được một công việc tốt, hay một người chồng tốt. Có những người ba năm rồi vẫn chưa được về nhà không biết không khí tết cổ truyền là gì, hay có những người phải làm việc một ngày mười hai tiếng mà vẫn không đủ tiền để gửi về nhà trả nợ. Cuộc đời mà đâu phải lúc nào cũng màu hồng. Nó nghĩ vậy. Nhưng nó cũng thấy ghét những người không coi trọng người Việt. Có những người Đài cứ gặp nó hỏi mày từ đâu tới. Chỉ cần nó nói ta là người Việt, thì mười người hết chín người hỏi là mày lấy chồng sang đây hả? Cũng có người biết nó là người Việt xong họ nói người đài bên ni không phải ai cũng giàu đâu, đừng có bị họ lừa. Nó cũng gặp một vài người nhìn nó với ánh mắt coi thường khi biết nó là người Việt vì nghĩ nó sang đây lấy chồng, nhưng rồi nó bảo nó sang đây đi học thì họ thay đổi thái độ, còn bảo sao mày giỏi thế. Nó biết những cô dâu Việt ở đây không phải ai cũng có cuộc sống sung sướng, nhưng để có những ánh mắt thái độ coi khinh như vậy thì thật sự là buồn. Có lẽ có nhiều nguyên nhân mà nó chưa thể biết hết được nhưng nó nghe có gì đó nhói trong lòng dù biết đâu rồi cũng có người này người kia. Người Đài cũng vậy mà người Việt cũng vậy. Âu cũng là hai chữ “số phận”.  Có lẽ sẽ không ai muốn như vậy.
Cuộc sống nơi đây với nó còn nhiều thử thách lắm, nhưng cảm ơn vì cuộc đời đã cho nó được đi. Cảm ơn những con người mà nó có duyên được gặp. Cảm ơn đã cho nó thấy nó còn may mắn lắm.
Hoa sẽ nở trên cánh đồng tuyệt vọng.
Vậy đấy, ngày nó đi…!