Giấc mơ có thật

2015/5/28 / Minh Tâm / Giấc mơ có thật / Tiếng Việt / Không

Mẹ thân yêu của con!
Đài Loan vào những ngày này, hoa phượng đỏ, hoa bò cạp vàng nở đua nhau khoe sắc, màu của năm tháng tuổi thanh xuân, cũng là màu của hi vọng. Cũng vào khoảng thời gian này của 2 năm về trước, ngày con cầm trên tay tờ giấy báo nhập học của trường Đại học Quốc gia Thành Công (Đài Loan), con đã nhảy cẫng lên vì hạnh phúc, có nằm mơ con cũng mơ ước được tới mái trường ấy để học tập.
Người đầu tiên mà con muốn báo tin vui này chính là mẹ, vì mẹ là người luôn ở bên con để động viên, khích lệ những lúc con chán nản, mệt mỏi. Cũng vào thời gian đó, anh trai con đi Nhật Bản, tổng chi phí cho chuyến đi ấy quá lớn, nó đáng giá cả gia tài mà bố mẹ dành dụm được bấy lâu nay.
Trong nhà có hai anh em, cùng đi học một năm, gần như cùng một thời điểm, ai đi học cũng phải dùng tới tiền cả. Anh con cần tổng cộng hơn 300 triệu, còn con cũng cần tới 70 triệu để lấy tiền nhập học, mua vé máy bay.
Thời điểm đó thật khó khăn cho cả gia đình mình mẹ nhỉ! Phải quyết định như thế nào, khi chi phí để đi học cho cả hai anh em con là quá lớn? Bố đã từng rất gay gắt trong bữa cơm, và nói với con rằng: “Không thể cho hai đứa đi cùng một lúc được, một đứa đi thì một đứa phải ở nhà, tao làm gì có tiền mà lo được nhiều như thế!”. Con còn nhớ như in cái cảm giác ấy, lòng con thắt lại, con nghẹn ngào mà nước mắt tuôn rơi. Mẹ lúc ấy nhìn con, nhưng mẹ không nói gì, con biết vì mẹ không muốn làm không khí gia đình thêm căng thẳng. Sau bữa ăn cơm mẹ nhẹ nhàng động viên con: “Rồi mọi chuyện cũng có cách giải quyết, đừng lo con ạ”. Con lúc ấy chẳng nói được lời nào, chỉ gục đầu vào lòng mẹ.
Anh con, đã từng nói với con là: “Thôi, để anh ở nhà, em đi học đi!”. Còn con cũng nói với anh rằng: “Anh đi học đi, em ở nhà đi làm không sao ạ”. Trong cả quãng thời gian ấy, trong con chứa đựng bao suy nghĩ bộn bề, con thực sự đã có ý định từ bỏ, từ bỏ ước mơ mà con ấp ủ bấy lâu, cánh cổng trường trước mắt con dường như đã đóng sập lại.
Mẹ vốn là người làm việc luôn chân luôn tay, cả năm chắc chỉ có đúng 3 ngày Tết là mẹ ở nhà, còn lại mẹ luôn quần quật trên cánh đồng. Mẹ đi làm từ sớm, có khi đến tối muộn mới về. Ấy vậy mà đợt đó, con còn thấy mẹ đi sớm hơn và về muộn hơn nữa, ai thuê mẹ làm gì mẹ cũng làm, không quản mưa gió, xa gần, sớm tối. Bữa đó mẹ đi làm về rất muộn, cả nhà chờ mẹ về để ăn cơm. Mẹ vừa tới nhà, con đã “trách cứ” mẹ rằng, tại sao mẹ lại về muộn như thế, mẹ không nói gì, chỉ cười bảo con rằng: “Việc dở tay, mẹ làm cố cho xong”. Không giống mọi lần, đi làm về xong, mẹ nghỉ một lát là đi tắm rồi ăn cơm, lần này mẹ chỉ nằm xuống giường, mắt thiếp đi. Con đến bên lay mẹ dậy, mẹ bảo con rằng: “Hôm nay mẹ mệt quá, để lát mẹ dậy ăn cơm nhé”. Thế mà mẹ cứ thể ngủ, sốt li bì, bố phải chạy đi mời chú bác sĩ ở trạm y tế xã về để truyền nước cho mẹ. Khuôn mặt mẹ tái nhợt đi và hình như dạo này cũng hốc hác và có thêm nhiều nếp nhăn hơn trước nhiều. Lúc mẹ tỉnh lại, con chạy đến bên mẹ, hỏi: “mẹ ăn chút gì để lại sức nhé!”. Mẹ vẫn còn mệt, nhưng nụ cười của mẹ rất rạng rỡ, mẹ bảo rằng: “Số tiền mẹ vay mượn được của họ hàng được một ít, nhưng vẫn còn thiếu, nên mẹ muốn kiếm thêm, dành dụm thêm để con đủ tiền đi học”. Hóa ra bấy lâu nay, mẹ làm lụng vất vả, đi sớm về khuya như thế là vì con, vậy mà mẹ chẳng nói lời nào. Con thấy mình sao mà vô tâm và vô dụng quá, chỉ vì sự ích kỉ của bản thân, mà khiến mẹ phải khổ đến mức này. Con òa lên khóc nức nở: “Con không đi học nữa đâu mẹ ạ, con chỉ cần mẹ khỏe mạnh, chỉ cần mẹ thôi”. Mẹ cười hiền hòa bảo con rằng: “Con ngốc ạ, mẹ chỉ hơi mệt một tí thôi, việc đi học là việc lớn, nó sẽ ảnh hưởng tới tương lai của con sau này, chỉ cần con muốn đi học, mẹ sẽ luôn ủng hộ con, cho dù có vất vả đến mấy, mẹ cũng chịu được. Được đi học rồi, nhớ học hành cho tốt con nhé!”. Con chỉ biết lí nhí mà: “Dạ”.
Vậy là nhờ có sự quyết tâm và giúp đỡ của mẹ, cả hai anh em con đều có thể được đi học. Con cảm ơn mẹ biết nhường nào. Anh lên đường nhập học vào tháng 7, còn con nhập học vào tháng 9. Trước ngày con đi học, mẹ chỉ nói với con rằng: “Đi mạnh giỏi con nhé”. Ngày con lên đường ra sân bay Nội Bài, có bố và anh chị tiễn con, mẹ thì không. Con đã rất giận mẹ, vì nghĩ mẹ không muốn cho con ở bên mẹ lâu hơn. Nhưng sau này con mới biết lý do, vì mẹ không chịu nổi cảnh chia li, mẹ cũng sợ mẹ khóc sẽ làm con lưu luyến mà không đi được. MẸ - lúc nào mẹ cũng là người lo lắng chu toàn, lúc nào cũng là người chịu phần thiệt thòi cho bản thân mình.
Tuần đầu tiên xa nhà, cái gì với con cũng là lạ lẫm, từ trường học bạn bè, ăn uống, đi lại. Nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất với con là học tập, tuần đầu tiên đi học, con hầu như không thể hiểu được hết giáo viên giảng bài gì, thậm chí những khối kiến thức mà con học đều là lí luận cả. Mặc dù con đã chuẩn bị tâm lí sẵn rồi, nhưng con vẫn cảm thấy không theo kịp cả lớp, mình con lạc lõng, bơ vơ. Trong khi các bạn khác hăng say phát biểu, xây dựng bài, thì con lúc nào cũng im lặng, và ngồi thu mình lại. Tuần lễ đó, không có đêm nào là con không khóc, vừa vì nhớ nhà, vừa vì quá áp lực trong học hành.
Con đã nén lòng mình, không muốn kể với mẹ để mẹ đỡ lo, nhưng khi gọi điện cho mẹ, con lại òa khóc nức nở, kể hết cho mẹ. Lúc ấy, mẹ chỉ động viên con mà rằng: “Con đã vất vả mới được đi học, giờ làm sao bỏ cuộc được, cố gắng lên con ạ, người ta học được, con cũng học được, mẹ tin là con làm được”. Trước sự động viên của mẹ, con đã có thêm bao nhiêu dũng khí để tiếp tục cuộc hành trình này. Ngoài thời gian lên lớp, ngày nào con cũng lên thư viện học bài, vì con biết, con không thể phụ công ơn của mẹ, và rồi dần dần con cũng bắt kịp được với các bạn.
Đài Loan, đất nước Đảo Ngọc xinh đẹp này thật sự đã cho con thật nhiều và cũng dạy con thật nhiều thứ mẹ ạ! Con thực sự đã được trải nghiệm cuộc sống mới tại một nền văn hóa mới. Về học tập, con luôn nhận được sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô, đồng thời con cũng nhận được sự giúp đỡ, động viên từ các bạn. Mọi người luôn dành cho con những tình cảm chân thành nhất, ưu ái nhất.
Vì học bổng của con không đủ để trang trải sinh hoạt phí, mà không muốn vì con mà mẹ phải quá vất vả, nên con đã đi làm thêm. Biết con đi làm, mẹ đã nói rằng, phải hứa với mẹ là không được để việc đi làm ảnh hưởng tới việc học. Những tháng ngày đó đối với con thật đáng nhớ. Ngoài việc phải cân đối thời gian đi học và đi làm, con còn phải đảm bảo tốt việc học, vì con sang đây với mục đích đi học mà mẹ nhỉ! Có những hôm sáng con đi học, trưa ăn vội suất cơm hộp để chiều có sức đi làm, tối về phải thức tới 3-4 giờ sáng, đó thật sự là khoảng thời gian khó khăn với con, là khoảng thời gian con thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết, hóa ra con có thể làm từng ấy việc, những việc mà con chưa bao giờ làm ở nhà mẹ ạ. Cho dù thế nào, cho dù có khó khăn đến đâu, nhưng con biết rằng luôn có mẹ - hậu phương vững chắc – chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con; nên con không sợ.
Đài Loan thật sự rất sạch sẽ, hiện đại và tiện lợi mẹ ạ, ở đây con không bao giờ thấy cảnh kẹt xe, mọi thứ đều rất nhịp nhàng và đúng giờ. Mọi người tự giác tuân thủ luật pháp lắm mẹ ạ. Đặc biệt, y tế của Đài Loan bây giờ được coi là tốt nhất thế giới, con đến bệnh viện của Đại học Quốc gia Thành Công, khám chữa bệnh nhanh, gọn, bác sĩ, y tá chu đáo tận tình, cộng với chế độ bảo hiểm tốt, nên con chỉ phải chi trả khoản chi phí nhỏ thôi mẹ ạ. Nhưng có lẽ đối với con, con người Đài Loan là đẹp nhất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà con nói như thế đâu. Mẹ biết không, trong trường học, con nhận được sự  quan tâm của thầy cô, bạn bè, trong công việc con nhận được sự giúp đỡ của ông bà chủ, ra ngoài nhận được sự giúp đỡ của những người mà con không hề quen biết. Con nhớ có lần con bị ốm, bà chủ đã nhờ người gửi lời hỏi thăm, gửi cả quà cho con nữa đấy mẹ ạ. Người Đài Loan họ đi đứng nhẹ nhàng, và không thích to tiếng với nhau, họ nói chuyện lịch sự lắm mẹ ạ.
Ngoài những người Đài Loan bản địa, con còn gặp gỡ cả những người tân di dân ở đây. Có lẽ họ chính là những minh chứng cho thấy những định kiến của mọi người về cô dâu lấy chồng Đài Loan là sai lầm. Con được gặp những chị người Việt Nam là cô dâu ở đây, có người mở quán ăn, có người làm tóc, lại còn có người học thạc sĩ, tiến sĩ nữa cơ mẹ ạ. Các chị ấy đã cho thấy mình cũng có khả năng lao động với tư cách là công dân mới của Đài Loan, không phải là gánh nặng cho xã hội, các chị ý cừ quá mẹ nhỉ! Đồng thời qua tìm hiểu, con cũng được biết, chồng và gia đình chồng của các chị ý đều rất yêu thương, chăm sóc cho các chị ấy, chứ không như những gì mà người ta kể rằng, các chị ý bị đánh đập hay sống không tốt đâu mẹ ạ.
Đồng thời con cũng được tiếp xúc với những anh chị lao động ở bên này, khi có dịp hỏi thăm, các anh chị ấy thường kể với con là ông chủ, bà chủ rất tốt với anh chị ý, ngoài việc cho ăn bữa trưa ở công xưởng, công ty, thậm chí còn cho thêm phần bánh hay cốc trà nữa. Tất nhiên, con cũng nghe nói có người bị chủ đối xử không tốt, nhưng đấy không phải là hiện tượng phổ biến đâu mẹ ạ. Ông bà chủ ở Đài Loan thật sự rất tốt với người Việt Nam mình.
Ở trường con, có hẳn một hội sinh viên Việt Nam mẹ ạ, chúng con ở đây năm nào cũng tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt Nam, đó chính là chiếc cầu nối quan trọng để giới thiệu văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè Đài Loan và quốc tế, cho mọi người có cơ hội giao lưu với nhau mẹ ạ. Con đã tham dự được hai mùa của tuần lễ văn hóa rồi, năm nào con cũng tham gia biểu diễn, vui lắm mẹ ạ.
Môi trường ở đây đã giúp con tôi luyện và trưởng thành hơn rất nhiều mẹ ạ, con đã trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn rất nhiều, khi nào con về, mẹ nhất định sẽ ngạc nhiên cho mà xem.
Con ước được đưa gia đình mình đến đất nước xinh đẹp này tham quan và du lịch. Con thậm chí đã vẽ ra lịch trình đi những đâu, lúc ấy con đã đủ tự tin để làm hướng dẫn viên du lịch cho cả nhà mình rồi. Từ sân bay Đào Viên, con sẽ đưa cả nhà thăm quan Đài Bắc, từ Bảo Tàng Cố Cung cho tới tòa tháp 101 hiện đại – tòa nhà giữ kỉ lục cao nhất thế giới từ 2004 đến tận 2010 đấy mẹ ạ, rồi cả trường đại học Quốc gia Đài Loan nữa; tiếp theo là thành phố Hoa Liên xinh đẹp, cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan, nơi có vườn quốc gia Taroko và trường Đại học Quốc gia Đông Hoa; rồi tới Gia Nghĩa, mẹ sẽ được đi tham quan núi A Li, người Đài Loan có một câu nói rất nổi tiếng đấy là: “Lên núi A Li, ngắm mặt trời mọc”, nơi đây có rất nhiều hoa anh đào vào mùa xuân mẹ ạ; Bình Đông, nơi cực nam của Đài Loan, có bãi biển Ken Ding, rất đẹp và xanh mát mẹ ạ. Cuối cùng của cuộc hành trình, tất nhiên là thành phố xinh đẹp mà con đang ở mẹ ạ - Đài Nam. Đây là thành phố cổ kính cũng từng là kinh đô cũ của Đài Loan đấy mẹ ạ. Nơi đây nổi tiếng với những điểm đến như: Khổng Miếu, Chi Kan Lou, Bảo tàng Kì Mĩ, và tất nhiên có cả ngôi trường thân yêu, nơi con gái mẹ đang học – Đại học Quốc gia Thành Công. Con tin chắc rằng, mẹ cũng sẽ giống con, rất thích nơi đây. Và con cũng tin rằng, mẹ cũng giống con, hi vọng một ngày không xa, nước mình cũng được giàu đẹp như Đài Loan, phải không mẹ?
 Mẹ ơi, Đài Loan không phải là quốc gia đầu tiên mà con đặt chân tới, trước đây con đã từng tham gia hội trại Hán ngữ ở Trung Quốc, và cũng có may mắn được đi Hongkong nhân một chuyến đi hội thảo, nhưng không nơi nào con có được cảm giác ấm cúng và thoải mái như ở đây.
Người ta bảo rằng:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Nhưng không biết tự bao giờ, con đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình rồi mẹ ạ. Đã gần hai năm kể từ ngày con đến với mảnh đất này, con thật sự đã cảm thấy sự gắn bó, yêu thương với nó mất rồi. Chợt con nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
(那時只是住在那個地方,離開後那地方成為我心魂的一部分。如果有什麼可以形容一個人與一塊地方的情感,這兩句詩於我而言最適宜。它並不強求非得如何,也不談過多的情緒,只是你經過那個地方,自然地讓那個地方浸潤你的靈魂,又或者你的心魂的某部分遺留在該地。)
Mẹ ơi! Trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám, khi cô Tấm khóc, có ông Bụt hiện ra; trong truyện Cô bé lọ lem, khi nàng gặp khó khăn, có Bà tiên hiện ra giúp nàng. Còn con, con đã có mẹ rồi, và có mẹ nên con thấy được phép màu nhiệm của cuộc sống, chuyện cổ tích có thật, mẹ nhỉ. Nhờ có mẹ luôn ủng hộ mà con mới có cơ hội quý giá để đến với hòn đảo Ngọc xinh đẹp này. Con đã sống những năm tháng tuổi trẻ của mình ở đây mẹ ạ, và con chưa bao giờ phải ân hận cho quyết định ra đi năm ấy!
Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ!
Đài Loan, ngày 28/05/2015